Vai trò của ngành du lịch đối với môi trường

Please follow and like us:

Vai trò của ngành du lịch đối với môi trường:

Tài nguyên và môi trường du lịch nói riêng và tài nguyên-môi trường nói chung luôn chịu những tác động của hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó bao gồm cả hoạt động phát triển du lịch. Những tác động này có thể là tích cực, song cũng có thể là tiêu cực đến trạng thái tài nguyên, môi trường nếu như không có những giải pháp phù hợp về tổ chức quản lý và kỹ thuật.

Hoạt động của ngành kinh tế du lịch là hoạt động khai thác các tiềm năng du lịch ( tiềm năng tự nhiên và tiềm năng kinh tế-xã hội và nhân văn) phục vụ kinh doanh du lịch. Vì vậy hoạt động du lịch có tác động đến hầu hết các dạng tài nguyên và môi trường giống như các ngành kinh tế khác, tuy nhiên hoạt động du lịch còn tạo ra tài nguyên nhân tạo, hình thành các môi trường du lịch hoàn toàn do con người điều khiển, đó là đặc thù của hoạt động du lịch.

Tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên và môi trường theo hai mặt: Mặt tác động tích cực tạo ra hiệu quả tốt đối với sử dụng hợp lý và phục hồi tài nguyên, đồng thời tạo cơ sở cho việc phát triển môi trường bền vững. Mặt tác động tiêu cực gây nên sự lãng phí, tiêu phí tài nguyên và suy thoái môi trường. Cụ thể như sau:

Những tác động tích cực của ngành du lịch đối với môi trường:

Du lịch hoạt động theo khuynh hướng phục hồi, bảo tồn và bảo vệ môi trường cũng như việc khôi phục, tôn tạo các kho tàng lịch sử và duy trì các công viên và khu bảo tồn khác. Lợi ích của việc không tiêu diệt động vật hoang dã cho du lịch nhằm hạn chế những hoạt động gây bất lợi cho môi trường. Ngành du lịch là một động cơ cải thiện chất lượng môi trường thông qua việc bảo tồn, phục hồi và bảo vệ thiên nhiên, di sản văn hóa, cải thiện hệ thống giao thông, hệ thống quản lý cung cấp nước sạch và xử lý nước thải… sẽ tác động làm phát huy tính hấp dẫn cho du khách và mang lại thu nhập ngày càng cao cho ngành du lịch.

Những tác động tiêu cực của ngành du lịch đối với môi trường:

– Làm suy thoái môi trường: Các tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên và môi trường có thể là tác động trực tiếp, tạo nên những thay đổi của môi trường và việc sử dụng tài nguyên. Cũng có thể là các tác động gián tiếp thông qua các phản ứng dây chuyền trong tự nhiên mà làm biến đổi các thành tố của môi trường.

Các hoạt động du lịch trong rất nhiều trường hợp là tác động quay vòng gần như khép kín. Ví dụ khách du lịch đến một điểm hay một khu du lịch nào đó càng đông thì càng tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh doanh du lịch, song lượng khách quá đông lại tạo nên sức ép đối với hoạt động du lịch như tình trạng quá tải lượng khách vào mùa hội tại Chùa Hương, Bà Chúa Xứ hay ở Sa Pa vào những ngày nghỉ cuối tuần mùa hạ, ở Vũng Tàu vào mùa du lịch…Sự gia tăng sức hút du lịch làm tăng khả năng giao lưư kinh tế , văn hóa, đồng thời cũng dẫn đến sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, dịch bệnh, cũng như sự quá tải của khả năng cung ứng du lịch…trong nhiều trường hợp tạo nên suy thoái môi trường như suy thoái chất lượng bãi tắm, sự suy giảm cảnh quan.

Ở Địa Trung Hải do mức độ phát triển khách sạn quá nhiều đã làm suy thoái môi trường tự nhiên. Theo chương trình của Liên Hiệp Quốc thì gần ¾ Cồn cát tại bờ biển Địa Trung Hải giữa Gibralar và Sicily đã biến mất do việc xây dựng các khu nghĩ mát. Tại Kenya nhu cầu về nghỉ mát du lịch và khách sạn đã dẫn đến việc phá rừng cây đước để làm vật liệu xây dựng. Nhiều nơi trở thành địa điểm để xây dựng các nhà nghỉ của du khách. Từ đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống ở các khu vực này.

– Làm ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm môi trường là nhân tố tác động tiêu cực chủ yếu của du lịch thông qua ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải, sinh học, địa chất. Hoạt động giao thông là tác nhân cơ bản của ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Người ta ước tính khoảng 02 triệu tấn nhiên liệu hàng không được đốt cháy mỗi năm tạo ra 550 triệu tấn khí đốt nhà kính và 3,5 triệu tấn hóa chất tạo ra mưa axit. Nước thải du lịch cũng có thể gây ra một số vấn đề do các hệ thống xử lý nước thải, rác thải quá tải. Các nhân tố tiêu cực này đã tác động không tốt đến phát triển bền vững của ngành du lịch. Điển hình như khu trượt tuyết tại Mexico ở Hoa Kỳ là nơi xử lý nước thải không tốt đã dẫn đến ô nhiễm nước làm thay đổi điều kiện phát triển cân bằng của côn trình, sinh vật sinh sống và ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ sinh hoạt ở nơi đây. Hoặc ở Nepal, dãy núi Himalaya có sự xói mòn nghiêm trọng là hậu quả của việc đốn cây để cung cấp nhiên liệu cho cắm trại và các loài động vật bị khai thác để sử dụng làm vật lưu niệm.

Bên cạnh, nhiều hoạt động du lịch như bơi thuyền, lặn, đi bộ, trượt tuyết, kinh doanh mua bán ở các khu du lịch đã tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên.

Như vậy, trong môi trường du lịch, môi trường tự nhiên có vai trò quan trọng, tạo ra tiền đề cho sự phát triển của các khu du lịch nổi tiếng của các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam như Vịnh Hạ Long-Cát Bà, Văn Phong-Đại Lãnh, Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt…Là những khu du lịch dựa trên cơ sở tiềm năng tự nhiên. Bên cạnh, mặt trái của ngành du lịch đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường thiên nhiên rất nghiêm trọng nếu không có kế hoạch phát triển ngành du lịch một cách bền vững.

 

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *