Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của động lực con người trong sự nghiệp xây dựng CNXH? Ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay?

Please follow and like us:
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò động lực của con người trong sự nghiệp xây dựng CNXH:

Trước hết, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, quần chúng nhân dân là lực lượng quan trọng của mọi phong trào đấu tranh cách mạng. Họ có mặt ở khắp mọi nơi và nếu được dẫn dắt bởi một tổ chức chính trị có đường lối đúng đắn, khoa học sẽ trở thành một khối thống nhất, có sức mạnh vô địch; sẵn sàng chiến đấu vì mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng. Ngay từ rất sớm, khi còn bôn ba tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc, Người đã phát hiện sức mạnh của cách mạng nằm ở chính khối đông đảo quần chúng cần lao đang bị áp bức đến cùng cực của mỗi dân tộc và khẳng định: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”.
Là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, hơn ai hết, Hồ Chí Minh đã cảm nhận một cách rõ ràng, sâu sắc về vai trò của quần chúng nhân dân đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước. Theo Người, lực lượng chính của cách mạng là toàn thể nhân dân, là tất cả những người bị áp bức, bóc lột. Người nói: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Trong mọi giai đoạn phát triển của cuộc cách mạng, quần chúng nhân dân luôn là lực lượng quyết định, làm thay đổi lịch sử. “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Sự nhìn nhận và đánh giá đó của Hồ Chí Minh dựa trên sự hiểu biết sâu sắc truyền thống lịch sử của dân tộc và con người Việt Nam.
Trong khối quần chúng đông đảo có sức mạnh “dời non, lấp biển”, Hồ Chí Minh cho rằng, lực lượng chủ chốt, nòng cốt của cách mạng là công nông. Đặc biệt, Người chỉ rõ: chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì sự nghiệp kháng chiến mới thắng lợi, công cuộc kiến quốc mới thành công và tin tưởng rằng, cùng với dân tộc, giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong trong công cuộc đấu tranh lật đổ chế độ thực dân phong kiến và xây dựng xã hội mới, tốt đẹp hơn. Tư tưởng sáng suốt này là một sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng học thuyết Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nhờ đó, Người không những phát huy được vai trò hạt nhân cách mạng của giai cấp công nhân, mà còn gắn giai cấp công nhân với tất cả mọi tầng lớp lao động và yêu nước khác, tạo thành một khối thống nhất, thúc đẩy cách mạng tiến lên.
Với tính cách động lực của sự phát triển xã hội, quần chúng nhân dân không chỉ là lực lượng chính của cuộc đấu tranh cách mạng, mà còn là lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội. Theo Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân là lực lượng sáng tạo nên lịch sử, sáng tạo nên những giá trị vật chất và giá trị tinh thần cho xã hội. Người nói: “Tất cả của cải vật chất trong xã hội, đều do công nhân và nông dân làm ra. Nhờ sức lao động của công nhân và nông dân, xã hội mới sống còn và phát triển”. Thông qua quá trình sản xuất, con người không chỉ thực hiện một quy luật tất yếu để tồn tại – lao động, mà còn tạo nên tiền đề vật chất chuẩn bị cho những bước biến đổi, phát triển mới của lịch sử.
CNXH là đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân, và do nhân dân thực hiện, Đảng và nhà nước phải là người đi đầu, phải “xây dựng chính trị” tức là xây dựng đường lối chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý để nhân dân có điều kiện, khả năng, “cơ hội” tham gia vào các hoạt động sản xuất, tự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mình, Người đặc biệt quan tâm đến các chính sách nhằm diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, các chính sách phát triển kinh tế, cứu trợ xã hội, các chính sách về giáo dục, kinh tế, chính sách về thuế, ruộng đất, các chính sách hỗ trợ cho đồng bào các vùng dân tộc thiểu số…. Theo người việc thực hiện các chính sách này không chỉ dần dần đem đến đời sống ấm no hạnh phúc cho đồng bào, mà quan trọng hơn, khi đời sống nhân dân được nâng lên, có sức khỏe, có trí tuệ thì mới trở thành người chủ xây dựng đất nước.

Ý nghĩa với Việt Nam hiện nay:

Cho đến nay tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị. Khi Đảng ta là Đảng của dân, do dân, vì dân. “Vì dân” là cái động lực mà Đảng ta luôn muốn hướng đến. Việt Nam đang là một nước đang phát triển nên trình độ lao dộng và khoa học còn lạc hậu. Nhằm lo cho dân, giảm được những tình trạng đói nghèo hay thất nghiệp là điều mà đảng ta luôn muốn phấn đấu. Nhân dân có ấm no hạnh phúc mới chính là động lực để Đảng thiết lập những mục tiêu. Sự ấm no đầy đủ của nhân dân cũng sẽ là sự văn minh và phát triển của Xã hội Việt Nam hiện nay.

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *