Nền kinh tế là gì? Các bộ phận của nền kinh tế ?

Please follow and like us:

Nền kinh tế là gì? Các bộ phận của nền kinh tế ?

Nền kinh tế là gì?

Nền kinh tế là một cơ chế phân bổ các nguồn lực khan hiếm cho các mục tiêu cạnh tranh. Cơ chế này nhằm giải quyết ba vấn đề kinh tế cơ bản là: i) sản xuất cái gì?, ii) sản xuất như thế nào?, iii) sản xuất cho ai?

Các bộ phận của nền kinh tế?

Nền kinh tế bao gồm các bộ phận hợp thành và sự tương tác giữa chúng với nhau. Nền kinh tế có hai bộ phận cơ bản là: i) người ra quyết định và ii) cơ chế phối hợp:

Người ra quyết định: là bất cứ ai hoặc tổ chức nào ra các quyết định lựa chọn, gồm có hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.

Hộ gia đình là một đơn vị ra quyết định. Tùy thuộc vào thị trường mà các hộ gia đình đóng các vai khác nhau. Trong thị trường sản phẩm, hộ gia đình là người tiêu dùng, quyết định mua hàng hóa và dịch vụ nào và mua với số lượng bao nhiêu. Trong thị trường các yếu tố, hộ gia đình là người chủ của các nguồn lực. Họ quyết định cung cấp bao nhiêu các nguồn lực đó cho các doanh nghiệp. Có ba nguồn lực cơ bản là lao động, vốn và đất đai. Đất đai được hiểu là diện tích đất và các tài nguyên thiên nhiên như quặng kim loại, dầu mỏ, khí thiên nhiên, than, nước và không khí. Lao động là thời gian và công sức làm việc mà con người bỏ ra để sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Lao động có thể bao gồm lao động thể chất (như các công nhân đào mỏ than) hoặc lao động trí óc (như những chuyên gia phân tích kinh tế). Chất lượng lao động phụ thuộc vào kiến thức và kỹ năng mà người lao động có được từ giáo dục, đào tạo hoặc kinh nghiệm làm việc. Vốn là các công cụ, máy móc thiết bị, nhà xưởng và những yếu tố khác do con người tạo ra được sử dụng để sản xuất hàng hóa và dịch vụ.

Doanh nghiệp là tổ chức mua hoặc thuê các yếu tố sản xuất và kết hợp các yếu tố đó để sản xuất và bán các loại hàng hoá và dịch vụ.

Chính phủ tham gia vào nền kinh tế với tư cách là nhà cung cấp các hàng hoá dịch vụ và điều tiết phân phối lại thu nhập. Thông thường các chính phủ cung cấp hệ thống pháp luật, hạ tầng cơ sở, quốc phòng… , giới hạn sự lựa chọn của người tiêu dùng, và điều tiết sản xuất và phân phối lại thu nhập.

Cơ chế phối hợp là cơ chế phối hợp sự lựa chọn của các thành viên kinh tế với nhau. Có ba loại cơ chế kinh tế cơ bản là: i) cơ chế mệnh lệnh, ii) cơ chế thị trường, iii) cơ chế hỗn hợp. Cơ chế mệnh lệnh (kế hoạch hoá tập trung): Trong một nền kinh tế được quản lý theo cơ chế này, các vấn đề kinh tế cơ bản đều được giải quyết tập trung. Nhà nước xác định toàn bộ kế hoạch sản xuất, tiêu thụ cho các doanh nghiệp, quyết định cả việc tiêu dùng của mọi thành viên kinh tế.

Cơ chế thị trường: Trong nền kinh tế thị trường, các vấn đề kinh tế cơ bản phải được giải quyết thông qua mối quan hệ cung cầu, cạnh tranh trên thị trường. Cơ chế thị trường có ưu điểm nổi bật trong việc đáp ứng các nhu cầu ngày càng phong phú và đa dạng của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chủ động điều tra nhu cầu của thị trường, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng và tổ chức sản xuất nhằm đạt được lợi nhuận tối đa. Cơ chế thị trường khuyến khích cạnh tranh, đổi mới công nghệ kỹ thuật và sử dụng các nguồn tài nguyên của xã hội một cách có hiệu quả nhất. Tuy nhiên cơ chế này cũng có một số nhược điểm cơ bản như phân phối thu nhập không công bằng, việc chạy theo lợi nhuận thuần tuý có thể làm ô nhiễm môi trường, không cung cấp đủ hàng hoá công cộng…

Cơ chế hỗn hợp: Trong nền kinh tế thị trường, ở một số lĩnh vực thị trường không đem lại hiệu quả tối ưu đối với xã hội, Chính phủ cần trực tiếp tham gia vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế cơ bản. Chính phủ thường cung cấp các hàng hoá công cộng, khắc phục các thất bại của thị trường, điều tiết phân phối thu nhập thông qua việc đánh thuế thu nhập để đảm bảo công bằng cho xã hội,…

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *