Trình bày về lợi nhuận và phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp ?
Lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu mà các chủ thể hướng tới khi tham gia hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, việc phân chia lợi nhuận luôn là vấn đề mà các thành viên, hoặc các cổ đông trong công ty đặc biệt quan tâm. Theo pháp luật quy định, lợi nhuận được phân chia chỉ khi công ty kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.
Phân chia lợi nhuận
1. Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
Theo điều 50 Luật Doanh nghiệp 2014, thành viên công ty TNHH hai thành viên có quyền được phân chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp đã góp vào công ty. Như vậy, mỗi thành viên có bao nhiêu phần vốn góp trong tổng số vốn điều lệ của công ty thì sẽ có bấy nhiêu phần lợi nhuận được hưởng. Đây là cách phân chia lợi nhuận hợp lý dựa trên phần vốn góp nhiều hay ít của mỗi thành viên thì đương nhiên thành viên đó được hưởng nhiều hay ít quyền lợi hơn. Tuy nhiên, cách phân chia này trong một số trường hợp còn bộc lộ nhiều hạn chế, ví dụ, có những khi người góp vốn nhiều nhất không phải là người tham gia, đóng góp công sức cho công ty nhiều nhất, do đó dẫn đến việc có khi thành viên không bỏ nhiều công sức cho hoạt động của công ty nhưng lại được hưởng lợi nhiều hơn thành viên khác. Để giải quyết việc này, một là thành viên có thể tăng thêm vốn góp của mình (thành viên công ty TNHH hai thành viên được ưu tiên trong việc góp thêm vốn, chuyển nhượng vốn, mua lại phần vốn góp trong công ty) hoặc các thành viên công ty thỏa thuận một phương án chia lợi nhuận khác phù hợp.
Trường hợp phân chia lợi nhuận không đúng với quy định của pháp luật :
– Phân chia lợi nhuận sau khi chưa hoàn trả nghĩa vụ tài chính và các khoản nợ khác.
– Trường hợp công ty hoàn trả vốn góp cho các thành viên trong vòng 2 năm kể từ ngày được cấp GCNĐKDN. Việc hoàn trả vốn góp sẽ dẫn đến việc phân chia lợi nhuận giữa các thành viên thay đổi do tỷ lệ vốn góp thay đổi. Tuy nhiên, công ty TNHH chỉ cho phép hoàn trả vốn góp cho thành viên với điều kiện công ty đã hoạt động được 2 năm, do đó nếu việc phân chia lợi nhuận trong trường hợp này là trái với quy định của pháp luật.
Đối với hai trường hợp trên, nếu phát hiện có sai phạm thì thành viên phải hoàn trả cho công ty phần lợi nhuận đã nhận đồng thời liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty cho đến khi các thành viên đã hoàn trả đủ số tiền, tài sản khác đã nhận tương đương với lợi nhuận đã chia.
2. Công ty cổ phần
Trong công ty cổ phần, lợi nhuận phân chia được gọi là cổ tức. Việc trả cổ tức giữa các cổ đông không giống nhau, cụ thể là giữa cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi cổ tức sẽ được trả các mức cổ tức khác nhau.
Đối với cổ đông phổ thông, cổ tức được trả theo quyết định của Đại hội đồng thành viên. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
– Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;
– Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Cổ đông ưu đãi cổ tức là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả mức cổ tức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi cụ thể trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức. Tuy nhiên, cổ đông ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.