Chủ thể của Tư pháp quốc tế là (i) các cá nhân tham gia trong tư pháp quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;(ii) chủ thể là pháp nhân, không chỉ bao gồm các pháp nhân được thành lập theo quy định của Việt Nam mà còn bao gồm cả những pháp nhân được thành lập theo quy định của nước ngoài; (iii)chủ thể là các quốc gia. Có thể nói, trong các chủ thể của tư pháp quốc tế, các Quốc gia được coi là chủ thể có tư cách đặc biệt. Đây là một thực thể pháp lý, chính trị được cấu thành bởi ba yếu tố là lãnh thổ, dân cư, chủ quyền. Cũng như những chủ thể khác, quốc gia tham gia vào các quan hệ pháp lý quốc tế, thực hiện giải quyết các tranh chấp phát sinh, thực hiện các nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, với vai trò đặc thù của mình, quốc gia có thể thực hiện việc xây dựng, ký kết, gia nhập các Điều ước quốc tế, các Hiệp ước song phương, đa phương.
Khi tham gia vào các mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, quốc gia được hưởng quy chế pháp lý đặc biệt – không những không ngang hàng với các cá nhân và pháp nhân mà còn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. Cơ sở pháp lý quốc tế của quy chế pháp lý đặc biệt của quốc gia thể hiện ở việc xác định quốc gia là một thực thể có chủ quyền và là chủ thể đặc biệt trong tư pháp quốc tế, được thể hiện ở các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Theo nguyên tắc này, Nhà nước này hoặc bất kì cơ quan nào của nhà nước này không có quyền xét xử nhà nước khác hoặc đại diện của Nhà nước khác.