Phương pháp triết học là gì? Triết học có những phương pháp cơ bản nào?
Triết học là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy; những vấn đề có kết nối với chân lý, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức, và ngôn ngữ.
Triết học phản ánh thế giới một cách chỉnh thể, nghiên cứu những vấn đề chung nhất, những quy luật chung nhất của chỉnh thể này và thể hiện chúng một cách có hệ thống dưới dạng lý luận.
Nói cách khác, Triết học là một trong những hình thái ý thức xã hội, là học thuyết về những nguyên tắc chung nhất của tồn tại và nhận thức, của thái độ con người đối với thế giới; là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Vấn đề cơ bản của triết học
Theo Ph.Ăng ghen: “Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy với tồn tại”[1]. Vấn đề này được coi là vấn đề cơ bản của triết học, vì nó ra đời cùng sự ra đời của triết học và tồn tại cùng sự tồn tại của triết học suốt từ khi ra đời đến nay.
Vấn đề cơ bản của triết học có hai mặt:
Mặt thứ nhất trả lời cho câu hỏi giữa tồn tại (vật chất) và tư duy (ý thức) cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào. Việc giải quyết mặt thứ nhất này đã chia các nhà triết học thành hai trường phái lớn:
Chủ nghĩa duy vật cho rằng tồn tại (vật chất) có trước tư duy (ý thức) và quyết định tư duy (ý thức). Nói cách khác, chủ nghĩa duy vật cho rằng bản chất của thế giới là vật chất; vật chất là tính thứ nhất, ý thức là tính thứ hai; vật chất có trước ý thức và quyết định ý thức.
Chủ nghĩa duy tâm, ngược lại, cho rằng tư duy (ý thức) có trước tồn tại (vật chất) và quyết định tồn tại (vật chất). Theo cách khác, chủ nghĩa duy tâm cho rằng bản chất của thế giới là tinh thần; ý thức là tính thứ nhất, vật chất là tính thứ hai; ý thức có trước và quyết định vật chất.
Mặt thứ hai trả lời câu hỏi tư duy (ý thức) của con người có thể phản ánh được tồn tại (vật chất) hay không? Nói cách khác là con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? Đến đây lại chia thành hai học thuyết: Thuyết khả tri (có thể biết) và thuyết: Bất khả tri (không thể biết) phủ định, hoài nghi khả năng nhận thức thế giới của con người. Sự phát triển của khoa học (từ cuộc cách mạng 1.0 đến nay là 4.0) và thực tiễn của nhân loại đã bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi và thuyết không thể biết.
Chức năng thế giới quan và phương pháp luận của triết học
1. Chức năng thế giới quan
Thế giới quan là hệ thống quan niệm về thế giới, về bản thân con người và vị trí của con người trong thế giới đó. Triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan, nghĩa là triết học quan niệm về thế giới bằng hệ thống lý luận của mình.
Thế giới quan triết học có chức năng định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Trong triết học có hai thế giới quan cơ bản đối lập nhau là thế giới quan duy vật và thế giới quan duy tâm.
2. Chức năng phương pháp luận
Cùng với thế giới quan, triết học còn có chức năng phương pháp luận. Phương pháp là những nguyên tắc, cách thức thực hiện hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn nhằm đạt mục đích đã đặt ra. Phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là hệ thống những quan điểm, nguyên tắc xác định phương pháp, phạm vi ứng dụng phương pháp… cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Chức năng phương pháp luận của triết học thể hiện ở chỗ nó chỉ ra cho chủ thể phương pháp xem xét, nhận thức và cải tạo thế giới. Trong triết học có hai phương pháp đối lập nhau là phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình. Phương pháp biện chứng là phương pháp xem xét sự vật, hiện tượng trong mối liên hệ, vận động, biến đổi và phát triển. Phương pháp siêu hình xem xét sự vật, hiện tượng trong trạng thái cô lập, tĩnh tại, bất biến, đứng im.