Phân tích quan điểm năng động trong nhận thức

Please follow and like us:

Phân tích quan điểm năng động trong nhận thức.
Nhận thức là quá trình phản ánh biện chứng hiện thực khách quan vào trong bộ óc của con người, có tính tích cực, năng động, sáng tạo, trên cơ sở thực tiễn.
Thực tiễn là hoạt động biến đổi thế giới khách quan, có đầy đủ tính năng động.
Trong thực tiễn, con người không chỉ dựa vào các hình thức nhận thức cảm tính, như cảm giác, tri giác, biểu tượng để phản ánh hiện tượng bên ngoài của sự vật, mà còn vận dụng hình thức nhận thức lý tính với các khái niệm, phán đoán, suy luận, v.v. để tái hiện bản chất và quy luật của sự vật. Nó không những “phục chế” lại được đối tượng trước mắt, mà còn có thể tiến xa hơn, dự đoán tương lai, làm bộc lộ sâu sắc những điều bí ẩn của tự nhiên và xã hội, năng động cải tạo thế giới. Mao Trạch Đông chỉ rõ: “Tính năng động tự giác là đặc điểm của con người. Con người bộc lộ đặc điểm ấy một cách rõ ràng nhất trong chiến tranh. Sự thắng thua trong chiến tranh, đương nhiên được quyết định bởi các điều kiện quân sự, chính trị, kinh tế, địa lý, tính chất chiến tranh, viện trợ quốc tế của hai bên, song không hoàn toàn như vậy. Nếu chỉ có thế thì mới là có khả năng thắng bại, tự chúng không thể phân định thắng thua. Muốn phân thắng bại, còn phải có thêm nỗ lực chủ quan, đây mới là cái chỉ đạo và thực hiện chiến tranh. Nó chính là tính năng động tự giác trong chiến tranh”.
Trong hoạt động thực tiễn, con người không những có thể xúc tiến quá trình biến đổi thế giới khách quan, mà còn có thể sáng tạo ra những thứ mà nếu thiếu sự tham dự thực tiễn của con người thì sẽ không thể có được. Mao Trạch Đông nói: “Những người chỉ đạo chiến tranh không thể vượt qua giới hạn mà điều kiện khách quan cho phép để tìm kiếm thắng lợi chiến tranh, mà chỉ có thể trong giới hạn điều kiện khách quan và năng động tranh thủ các điều kiện đó để giành thắng lợi. Vũ đài hoạt động của người chỉ huy chiến đấu nhất thiết phải xây dựng trên cơ sở điều kiện khách quan, từ đó họ dựa vào vũ đài ấy mà đạo diễn những vở kịch có thanh có sắc, uy vũ hùng tráng”. Một mặt, con người cần tôn trọng tính khách quan của thế giới vật chất và quy luật vận động của nó, khi làm việc cần xuất phát từ thực tế, thực sự cầu thị; mặt khác, con người cũng cần đặc biệt coi trọng việc phát huy tính năng động của thực tiễn, trong phạm vi điều kiện khách quan cho phép, phát huy đầy đủ và chính xác tính năng động của thực tiễn, dốc sức làm tốt công việc.
Sự tồn tại và phát triển của con người không thể tách rời thế giới khách quan. Song, thế giới khách quan lại không thể luôn thích ứng với nhu cầu sinh tồn và phát triển của con người. Vì vậy, nhằm làm cho thế giới khách quan thích ứng với nhu cầu tồn tại và phát triển của mình, con người nhất thiết phải phát huy tính năng động thực tiễn để cải tạo thế giới khách quan. V.I.Lênin chỉ ra rằng, “Thế giới sẽ không thoả mãn con người, mà con người phải quyết tâm lấy hành động của mình để cải tạo thế giới”.
Tính chủ thể của thực tiễn là một loại tính năng động. C.Mác đã khẳng định: “Trong khi cải tạo thế giới đối tượng, con người mới có thể chứng minh được tính tồn tại loài của mình. Kiểu sản xuất này là đời sống loài của sự năng động người. Thông qua sự sản xuất ấy, giới tự nhiên mới biểu hiện thành tác phẩm của con người và hiện thực của con người. Do đó, đối tượng của lao động là sự đối tượng hoá đời sống loài của con người: con người không chỉ tái hiện mình một cách lý trí trong ý thức, mà còn tái hiện mình một cách năng động, hiện thực, từ đó có trực quan về bản thân trong thế giới mà mình sáng tạo”.
Khi bàn tới tính năng động của thực tiễn, C.Mác viết: “Đầu tiên lao động là quá trình giữa con người và tự nhiên, con người đem hoạt động của mình để khơi gợi, điều chỉnh, dẫn dắt và khống chế quá trình biến đổi vật chất giữa con người và tự nhiên, bản thân con người là một loại vật chất tự nhiên và đối lập lại vật chất tự nhiên. Để chiếm hữu vật chất tự nhiên trên cơ sở hình thức có lợi cho đời sống của mình, con người đã khiến những sức mạnh tự nhiên trên thân thể mình – vai và chân, đầu và tay vận động. Thông qua sự vận động này, họ tác động và cải biến tự nhiên bên ngoài cơ thể mình, đồng thời cải biến cái tự nhiên trong chính họ. Họ khiến tiềm lực còn “ngủ quên” trong cái tự nhiên của mình được phát huy, đồng thời khiến hoạt động của loại sức mạnh này chịu sự chi phối của bản thân họ”. Trong quá trình lao động thực tiễn, để chiếm hữu vật chất tự nhiên trên cơ sở hình thức có lợi cho bản thân, con người khiến cho sức mạnh tự nhiên trong bản thân mình vận động. Đồng thời, con người còn khiến cho khí quan cảm giác và tư duy của mình cũng vận động, đem tính năng động của mình đối tượng hoá vào trong đối tượng, sáng tạo nên một thế giới mang tính đối tượng.
Thực tiễn là hoạt động mang tính đối tượng. Trong thực tiễn, trước hết chủ thể thiết lập một đối tượng mục đích, đồng thời đối tượng hoá nó, tức là khách thể hoá. Cuối cùng, trong kết quả thực tiễn, con người sáng tạo nên một thế giới đối tượng. Hoạt động mang tính đối tượng của thực tiễn, trên thực tế, là một loại hoạt động năng động.
Quá trình thực tiễn là quá trình đối tượng hoá năng động. Hoạt động thực tiễn của con người nhằm thoả mãn nhu cầu nào đó, đạt đến mục đích nào đó. Chỉ có lựa chọn mục tiêu thực tiễn đúng nhất mới khiến quá trình thực tiễn ngày càng tiến bộ. Mỗi một thế hệ người chỉ có tiến hành quá trình thực tiễn ngày càng tiến bộ mới có thể khiến cả xã hội loài người ngày càng tiến bộ. Như vậy, mới có thể thực thi sự tác động lẫn nhau giữa tính năng động thực tiễn và tiến bộ xã hội: sự phát huy đầy đủ tính năng động thực tiễn có lợi cho sự tiến bộ xã hội; ngược lại, tiến bộ xã hội thúc đẩy sự phát huy đầy đủ tính năng động thực tiễn.
Tính năng động của thực tiễn có quá trình phát triển của nó. Trong các điều kiện lịch sử xã hội khác nhau, trình độ phát huy tính năng động của thực tiễn là không giống nhau.
Các công việc trong thế giới đều cần có con người thực hiện. Khi con người làm bất cứ việc gì, đều cần phát huy tính năng động của thực tiễn. Trình độ phát huy tính năng động thực tiễn của con người trực tiếp quyết định thành tựu lớn hay nhỏ của hoạt động thực tiễn con người. Xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của hàng triệu con người. Trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng và hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, việc huy động tối đa sự nỗ lực tự giác, tính tích cực hoạt động thực tiễn của quảng đại quần chúng nhân dân, phát huy tính năng động thực tiễn của mọi tầng lớp trong xã hội chính là sự đảm bảo cơ bản cho việc thực hiện mục tiêu to lớn đó.
Trong phạm vi điều kiện khách quan cho phép, việc phát huy tính năng động thực tiễn, đối với bất cứ sự thành công nào, đều đóng vai trò rất lớn. Để phát huy tính năng động thực tiễn, nhất thiết phải dựa vào những điều kiện vật chất và các biện pháp vật chất nhất định. Không có cơ sở hiện thực, thì bất luận có phát huy tính năng động thực tiễn đến thế nào, cũng không thể tạo ra bất cứ thứ vật chất nào. Ngay cả khi đã có những tiền đề vật chất cần thiết cho sự cải tạo, cũng vẫn phải dựa vào điều kiện vật chất nhất định, lợi dụng các phương pháp kỹ thuật vật chất nhất định, như công cụ, cơ khí, v.v. mới có thể chuyển hoá sự vật trong quan niệm thành sự vật vật chất trong hiện thực.
Muốn phát huy tính năng động thực tiễn, cần phải lấy việc tuân thủ quy luật khách quan của sự vận động vật chất làm cơ sở và tiền đề. Tính năng động của hoạt động thực tiễn con người, về thực chất, chính là con người vận dụng tri thức về quy luật khách quan nhằm cải tạo thế giới khách quan. Nhận thức về quy luật khách quan càng sâu sắc, càng chắc chắn, thì càng phát huy được tính năng động của thực tiễn. Khi rời xa quy luật khách quan và điều kiện hiện thực, con người không những không thể phát huy tính năng động thực tiễn một cách chính xác, mà còn gặp phải sự trừng phạt của quy luật khách quan. Mao Trạch Đông viết: “Con người muốn giành được thắng lợi trong công việc, tức cái kết quả trong dự đoán, thì nhất định phải làm cho tư tưởng của mình phù hợp với tính quy luật của thế giới khách quan, nếu như không phù hợp thì sẽ chuốc lấy thất bại trong thực tiễn. Con người, sau khi trải qua sự thất bại, đã nhận được bài học từ sự thất bại đó. Nếu biết cải biến tư tưởng của mình cho phù hợp với tính quy luật của thế giới bên ngoài, con người sẽ có thể biến thất bại thành thắng lợi. Câu “thất bại là mẹ thành công” chính nhằm nói về đạo lý ấy”. Do vậy, nhất định phải kết hợp sự phát huy tính năng động thực tiễn với việc tôn trọng quy luật khách quan, kết hợp nhiệt tình thực tiễn cao độ với thái độ khoa học hiện thực.

 

 

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *