Phân tích luận điểm của Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”?
Chủ nghĩa xã hội là gì?
Chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội có lực lượng sản xuất phát triển cao gắn với khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
Nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội là chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất và thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động.
Chế độ chính trị do nhân dân lao động làm chủ, Nhà nước của dân, do dân, vì dân trên cơ sở khối liên minh công – nông – trí thức làm chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.
Chủ nghĩa xã hội có hệ thống quan hệ xã hội bình đẳng, công bằng, không còn chế độ người bóc lột người, không còn tình trạng đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay, con người được giải phóng, có điều kiện phát triển toàn diện, có sự hài hòa trong phát triển giữa xã hội và tự nhiên.
Chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội do nhân dân xây dựng và vì nhân dân phục vụ. Chủ nghĩa xã hội là hệ thống các giá trị vừa kế thừa các di sản của quá khứ, vừa được sáng tạo mới trong quá trình xây dựng và phát triển, là hiện thân đỉnh cao của tiến trình tiến hóa của lịch sử nhân loại. Hồ Chí Minh quan niệm chủ nghĩa xã hội là sự tổng hợp biện chứng ngay trong cấu trúc nội tại của nó, một hệ thống giá trị nền tảng điều chỉnh các quan hệ xã hội, đó là độc lập, tự do, bình đẳng, dân chủ, công bằn, bảo đảm quyền con người, bái ái, đoàn kết, hữu nghị…, trong đó, có những giá trị là tiền đề, có giá trị hạt nhân. Tất cả những giá trị cơ bản này là mục tiêu chủ yếu của chủ nghĩa xã hội. Một khi tất cả các giá trị đó đã đạt được thì loài người sẽ vươn tới lý tưởng cao nhất, đó là “liên hiệp tự do của những người lao động” mà C.Mác và Ph.Ăng ghen đã dự báo. Ở đó, cá tính con người được phát triển đầy đủ, năng lực con người được phát huy cao nhất.
Con người xã hội chủ nghĩa là gì?
Quan điểm của Hồ Chí Minh về con người xã hội chủ nghĩa có hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người truyền thống. Hai là hình thành những phẩm chất mới như:
+ Có tư tưởng xã hội chủ nghĩa: có ý thức làm chủ, có tinh thần tập thể, có tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình, có tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết vươn lên hàng đầu, có tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
+ Có đạo đức và lối sống xã hội chủ nghĩa: trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Có tinh thần quốc tế trong sáng, có lối sống lành mạnh, trong sáng.
+ Có tác phong xã hội chủ nghĩa: làm việc có kế hoạch, có biện pháp, có quyết tâm, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất, chất lượng hiệu quả: lao động quên mình, không sợ khó, sợ khổ, làm việc vì lợi ích của xã hội, tập thể và bản thân mình.
+ Có năng lực để làm chủ: bản thân, gia đình và công việc mình đảm nhiệm, đủ sức khỏe và tư cách tham gia làm chủ nhà nước và xã hội, thực hiện có kết quả quyền công dân: phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học – công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ để làm chủ.
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa.
“Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa” Để minh chứng cho luận điểm này bác đã đưa ra những quan điểm có tính phương pháp luận rất cụ thể như sau:
Thứ nhất, con người ta ai cũng có cái tốt, cái xấu. Cái tốt, cái xấu trong mỗi con người không phải bất biến mà luôn thay đổi, biến hóa. Vì vậy, xem xét đánh giá con người không nên chấp nhất; sử dụng con người phải khéo nâng chỗ tốt, khéo sửa chỗ xấu, Người dạy: “Mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng, ta phải làm cho phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”
Thứ hai, con người ta dù tốt, xấu “đều có tình”; vì vậy, khi đánh giá con người không thể chỉ dùng lý mà phải có tình, phải nhìn thấy nhân bản của mỗi con người, ngay khi họ có khuyết điểm, sai lầm.
Thứ ba, con người ta ai cũng có khuyết điểm, chỉ không làm việc thì mới không có sai lầm, nhưng không phải vì khuyết điểm, sai lầm nhất thời mà đánh giá họ là người xấu, là con người bỏ đi, mà đập cho tan nát; phải có lòng tin vào cái thiện, vào tương lai tốt đẹp.
Thứ tư, con người luôn gắn liền với tập thể, với xã hội; vì vậy, đánh giá từng con người phải gắn với đánh giá tập thể, phải đặt trong môi trường nhất định và xuất phát từ yêu cầu của tập thể, cộng đồng và xã hội mà họ sống và hoạt động. Người chỉ rõ: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, thói quen”. Đánh giá con người phải thông qua quá trình rèn luyện và thử thách trong hoạt động thực tiễn, “qua hoạn nạn mới rõ người trung”
Như vậy với những quan điểm đánh giá về con người, bác đã cho thấy tầm quan trong của con người trong cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Những con người xã hội chủ nghĩa là tấm gương và lôi cuốn người khác và toàn xã hội vào việc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa cần được xây dựng và bồi dưỡng cụ thể nội dung và biện pháp xây dựng con người xã hội chủ nghĩa trong chiến lược con người của các mạng xã hội chủ nghĩa là:
Thứ nhất, bồi dưỡng con người về trí tuệ:
Cách mạng XHCN là một sự nghiệp hết sức mới mẻ, lâu dài, đòi hỏi con người XHCN phải có trí tuệ cao, có kiến thức sâu sắc và toàn diện về nhiều lĩnh vực. Điều quan trọng là cần nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ và nhân dân. Người chỉ rõ:”Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Cùng với nâng cao trình độ lý luận chính trị, phải nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật của con người mới. Không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không có khả năng tiếp thu những kiến thức của khoa học, kỹ thuật và do đó không theo kịp yêu cầu phát triển của sự nghiệp xây dựng CNXH.
Thứ hai, bồi dưỡng đạo đức cách mạng:
Với Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng luôn là cái gốc của con người mới XHCN, là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người: “Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” và “Muốn xây dựng CNXH phải có con người thấm nhuần đạo đức XHCN”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước… Khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần khiêm tốn, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, quan liêu, kiêu ngạo, hủ hóa.
Thứ ba, xây dựng mục đích và lối sống mới:
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng mục đích và lối sống của con người XHCN. Đó là những con người sống có lý tưởng, có bản lĩnh, dù khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đến đâu cũng không từ bỏ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, không lùi bước, thắng không kiêu, bại không nản. Lối sống của con người mới là lối sống dân chủ, phấn đấu để trở thành người chủ xã hội và vì quyền dân chủ của nhân dân; là mình vì mọi người; yêu tự do; lạc quan cách mạng, tin tưởng ở tương lai…
Tài liệu tham khảo
[1]. Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh. Bộ Giáo dục – Đào tạo; Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia -Hà Nội, 2011.`