Phân tích luận điểm của Hồ Chí Minh: “Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Hiện nay, Đảng ta đã thực hiện tư tưởng này như thế nào?
Đảng chính trị Đảng chính trị là một bộ phận ưu tú, tiến bộ, đại diện cho ý chí, quyền lợi của một giai cấp, tầng lớp xã hội và có nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp, tầng lớp xã hội đó đấu tranh đi tới thắng lợi.
Đảng lãnh đạo Là đảng có vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp; tập hợp, dẫn dắt và định hướng các lực lượng chính trị – xã hội khác nhau vì mục tiêu đã được xác định. Theo Hồ Chí Minh, khái niệm Đảng cộng sản lãnh đạo dùng để chỉ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đảng cầm quyền Đảng cầm quyền là khái niệm dùng trong khoa học chính trị, dùng để chỉ một đảng chính trị đại diện cho một giai cấp đang nắm giữ và lãnh đạo chính quyền để điều hành đất nước nhằm thực hiện lợi ích của giai cấp mình. Khái niệm “Đảng cầm quyền”đã từng được dùng phổ biến tại các nước tư bản chủ nghĩa. Ở các nước này, nếu một chính đảng có đại biểu giành được đa số phiếu tại các cuộc bầu cử trong quốc hội thì đảng đó trở thành đảng cầm quyền.
Về mặt thuật ngữ, trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể bắt gặp các khái niệm dùng để chỉ một hiện tượng Đảng lãnh đạo xã hội sau khi đã giành được chính quyền như: “Đảng nắm quyền””Đảng lãnh đạo chính quyền””Đảng điều hành chính quyền”. Cụm từ “Đảng cầm quyền”được Hồ Chí Minh ghi trong bản “Di chúc”của Người năm 1969. Theo Hồ Chí Minh, Đảng cầm quyền là Đảng lãnh đạo chính quyền để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Khi chưa có chính quyền, nhiệm vụ chính của Đảng là lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền. Phương thức lãnh đạo chủ yếu là tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng đấu tranh cách mạng giành chính quyền.
Đảng lãnh đạo trong điều kiện chưa cầm quyền sẽ phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách. Trong sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù, mọi quan điểm, đường lối của Đảng đến với nhân dân chủ yếu thông qua hoạt động của các tổ chức Đảng và mỗi cán bộ đảng viên. Trong điều kiện như vậy, mỗi cán bộ đảng viên phải là tấm gương sáng trong đấu tranh cách mạng, có như vậy, mới hoàn thành được nhiệm vụ, mới được quần chúng nhân dân tin yêu và bảo vệ. Mọi sự xa rời nhân dân đều có thể dẫn tới những tổn thất vô cùng to lớn cho cách mạng.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, chính quyền là công cụ mạnh mẽ đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào trong cuộc sống. Trước kia, muốn đưa một chủ trương, đường lối của Đảng đến với quần chúng nhân dân đòi hỏi biết bao thời gian, công sức, thậm chí cả xương máu của không ít cán bộ, đảng viên. Khi có chính quyền thì việc đó lại diễn ra hết sức thuận lợi, nhanh hơn và hiệu quả hơn nhiều. Theo Hồ Chí Minh, khi trở thành Đảng cầm quyền thì bản chất, mục tiêu và lý tưởng của Đảng không thay đổi, đó vẫn là sự nghiệp cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, đem lại cuộc sống hòa bình, no ấm và hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Khi trở thành Đảng cầm quyền càng có thêm công cụ là chính quyền để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó. Tuy nhiên, khi có chính quyền trong tay, một vấn đề mới cực kỳ to lớn, và cũng là thử thách hết sức nặng nề của Đảng là chống lại tình trạng quan liêu, tham nhũng, thoái hóa biến chất của cán bộ đảng viên, làm sao đảng phải thực sự là tổ chức trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự nêu cao đạo đức cách mạng, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.
Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân
Là người lãnh đạo: Lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội và toàn thể nhân dân.
- Phương thức lãnh đạo: Chủ trương, đường lối, định hướng chính trị; tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; năng lực uy tín của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát…
- Điều kiện lãnh đạo: Có năng lực, trình độ, có tầm nhìn xa trông rộng; có phẩm chất, uy tín được nhân dân tin cậy và thừa nhận.
Là người đầy tớ trung thành của nhân dân: Sự nghiệp lãnh đạo của Đảng là vì dân, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”; mỗi cán bộ đảng viên “đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung, chứ không phải để đè đầu, cưỡi cổ dân như thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.
Trong quan điểm của Hồ Chí Minh “lãnh đạo”và “đầy tớ”là thống nhất. Dù là người “lãnh đạo” hay “đầy tớ” đều chung một mục đích: vì dân. Làm tốt vai trò, chức năng lãnh đạo hay “đầy tớ” là cơ sở để khẳng định năng lực, uy tín của Đảng đối với toàn xã hội.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Người lãnh đạo và người đày tớ luôn thống nhất với nhau trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Là người lãnh đạo, mọi đường lối, chính sách của Đảng phải thực sự đúng đắn, cách mạng và khoa học, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực sự dẫn đường chỉ lối cho nhân dân hành động. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực sự tiên phong, gương mẫu đi trước nhân dân, nói đi đôi với làm. Người cũng chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Theo Người, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có cái tâm, cái đức, cái trí. Đảng chỉ thực sự làm tròn vai trò người lãnh đạo khi Đảng luôn tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc, đạo đức, văn minh của toàn xã hội. Đảng phải là người lãnh đạo sáng suốt của nhân dân, không “theo đuôi” quần chúng.
Đảng là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, đây chính là điểm phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với học thuyết Mác – Lênin về xây dựng Đảng ở Việt Nam. Tư tưởng này chỉ đạo xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã theo đuổi mục đích cao cả là đấu tranh giải phóng đồng bào khỏi đoạ đày, đau khổ. Khi trở thành lãnh tụ của Đảng, của cách mạng, Người luôn phấn đấu để cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Khi phải từ biệt thế giới này, Người vẫn còn nuối tiếc là không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân.
Hiện nay, chúng ta có thể cảm thấy những hình ảnh tốt đẹp từ những đảng viên, những chiến sĩ công an nhân dân, bộ đội trong những công việc đời thường khi họ giúp nhân dân trong những vụ thiên tai, tai nạn. Hay những dự án, chính sách của đảng được sự ủng hộ của nhân dân, vì lợi ích của dân làm cho mối quan hệ giữa đảng và nhân dân trở lên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên hiện nay cũng có rất nhiều cán bộ, đảng viên biến chất suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị … gây ra những hình ảnh xấu, làm những việc bất lợi cho nhân dân, cho đất nước đi ngược lại với quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt tình trạng quan liêu, hành sách, dọa nạt nhân dân còn tồn tại nhiều ở những cơ quan hành chính nhà nước của nước ta gây ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
Tài liệu tham khảo
[1]. Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh. Bộ Giáo dục – Đào tạo; Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia -Hà Nội, 2011.