Những vấn đề chung của điều tra thống kê

Please follow and like us:

Điều tra thống kê

Điều tra thống kê là một giai đoạn quan trọng của quá trình nghiên cứu thống kê. Việc tổng hợp, phân tích và dự đoán thống kê có ý nghĩa hay không phụ thuộc vào sự chính xác, kịp thời và đầy đủ của dữ liệu thu thập được từ giai đoạn điều tra thống kê.

*. Những vấn đề chung của điều tra thống kê

  1. Khái niệm, ý nghĩa của điều tra thống kê

* Khái niệm: Điều tra thống kê là việc tổ chức một cách khoa học theo một kế hoạch thống nhất việc thu thập, ghi chép tài liệu ban đầu về hiện tượng nghiên cứu trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể.

– Việc tổ chức một cách khoa học trong điều tra thống kê sẽ đáp ứng được những yêu cầu khác nhau cả về lý thuyết cũng như thực tế đặt ra.

* Ý nghĩa: Tài liệu thu thập được từ điều tra thống kê có ý nghĩa sau:

– Là căn cứ để kiểm tra, đánh giá thực trạng hiện tượng nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trong mọi lĩnh vực của từng đơn vị, từng địa phương và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

– Cung cấp những luận cứ xác đáng cho việc phân tích, phát hiện, tìm ra những yếu tố tác động và những yếu tố quyết định đến sự thay đổi của hiện tượng nghiên cứu. Trên cơ sở đó, có biện pháp hợp lý thúc đẩy sự phát triển của hiện tượng theo hướng có lợi nhất.

– Cung cấp có hệ thống và là căn cứ vững chắc cho việc phát hiện và xác định xu hướng cũng như quy luật biến động của hiện tượng. Từ đó, dự đoán mức độ và xu hướng biến động của hiện tượng trong tương lai. Các tài liệu này giúp cho việc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và quản lý quá trình thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển đó.

  1. Các yêu cầu cơ bản của điều tra thống kê

Tài liệu thu thập được từ giai đoạn điều tra thống kê chỉ có ý nghĩa trong nghiên cứu thống kê khi đảm bảo tính chính xác, kịp thời và đầy đủ.

* Tính chính xác trong điều tra thống kê nghĩa là tài liệu thu thập được phản ánh đúng tình hình thực tế khách quan của hiện tượng nghiên cứu. Tài liệu được điều tra chính xác mới có thể dùng làm căn cứ tin cậy tổng hợp, phân tích thống kê và rút ra kết luận đúng đắn về bản chất, thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng và quy luật biến động của hiện tượng. Có thể nói, tính chính xác là một yếu tố cơ bản quyết định chất lượng của công tác thống kê.

* Tính kịp thời của điều tra thống kê được hiểu theo hai khía cạnh. Thứ nhất, các tài liệu thu thập được phải phản ánh được mọi sự biến động của hiện tượng nghiên cứu đúng lúc cần thiết, từ đó thấy được những bước ngoặt quan trọng nhất trong quá trình phát triển của hiện tượng nghiên cứu. Thứ hai, các tài liệu thu thập được phải cung cấp đúng thời hạn để phục vụ các yêu cầu nghiên cứu và quản lý.

* Tính đầy đủ trong điều tra thống kê bao gồm sự đầy đủ về nội dung nghiên cứu cũng như đầy đủ về các đơn vị của hiện tượng nghiên cứu. Đảm bảo yêu cầu này, tài liệu điều tra thống kê giúp cho việc phân tích, đánh giá hiện tượng nghiên cứu một cách đúng đắn, tránh đưa ra những kết luận phiến diện, chủ quan.

  1. Các loại điều tra thống kê

Điều tra thống kê có nhiều loại khác nhau, tùy theo mục đích nghiên cứu, đặc điểm của đối tượng điều tra và điều kiện thực tế mà người ta sử dụng loại nào cho phù hợp. Có thể biểu diễn một số cách phân loại điều tra thống kê theo sơ đồ sau:

Điều tra thống kê
Điều tra

toàn bộ

 

 

Điều tra

không toàn bộ

 

Điều tra chọn

mẫu

Điều tra trọng

điểm

Điều tra chuyên

đề

Căn cứ vào phạm vi của đối tượng điều tra
Căn cứ vào tính liên tục của việc thu thập số liệu
Điều tra

thường xuyên

Điều tra không

thường xuyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Căn cứ vào tính liên tục của việc thu thập thông tin, điều tra thống kê được chia thành hai loại: điều tra thường xuyên và điều tra không thường xuyên.

+ Điều tra thường xuyên là việc tiến hành thu thập, ghi chép tài liệu ban đầu của hiện tượng nghiên cứu một cách liên tục, có hệ thống và thường theo sát quá trình phát sinh, phát triển của hiện tượng.

Ví dụ: theo dõi hàng tồn kho

– Điều tra thường xuyên là cơ sở chủ yếu để lập báo cáo thống kê định kỳ, là công cụ quan trọng để theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch.

+ Điều tra không thường xuyên là việc tiến hành thu thập, ghi chép tài liệu ban đầu của hiện tượng không liên tục và không theo sát quá trình phát sinh phát triển của hiện tượng.

– Hình thức chủ yếu của các cuộc điều tra không thường xuyên là điều tra chuyên môn, khi nào cần mới tiến hành điều tra. Tuy nhiên, để tiện cho việc theo dõi, so sánh, phân tích sự biến động của hiện tượng theo thời gian nên một số cuộc điều tra không thường xuyên cũng được tiến hành lặp đi lặp lại theo chu kỳ nhất định và cố gằng kế thừa những gì đã được thực hiện tại cuộc điều tra trước và có ý nghĩa tại thời điểm nghiên cứu.

Ví dụ: cuộc tổng điều tra dân số ở nước ta và một số quốc gia trên thế giới đang thực hiện với chu kỳ 10 năm 1 lần.

* Căn cứ vào phạm vi của đối tượng được điều tra, điều tra thống kê được phân thành điều tra toàn bộ và điều tra không toàn bộ.

+ Điều tra toàn bộ: là tiến hành thu thập tài liệu ban đầu trên tất cả các đơn vị thuộc đối tượng điều tra.

Ví dụ: tổng điều tra dân số ở nước ta vào ngày 1/4/2009

– Điều tra toàn bộ vừa là cơ sở để tính các chỉ tiêu tổng hợp cho tổng thể, vừa cung cấp số liệu chi tiết của từng đơn vị. Vì vậy, điều tra toàn bộ là nguồn cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, toàn diện và trực tiếp nên nó có thể đáp ứng được nhiều yêu cầu nghiên cứu khác nhau, đặc biệt là trong điều tra nắm bắt tình hình cơ bản của hiện tượng.

– Hạn chế: điều tra toàn bộ đòi hỏi nguồn tài chính lớn, số người tham gia điều tra nhiều, thời gian điều tra dài. Vì vậy, điều tra toàn bộ ít được tiến hành thường xuyên và thường giới hạn ở một số nội dung chủ yếu.

+ Điều tra không toàn bộ: là tiến hành thu thập, tài liệu ban đầu trên một số đơn vị được chọn từ tất cả các đơn vị của tổng thể chung. Căn cứ vào phương pháp lựa chọn các đơn vị để điều tra, điều tra không toàn bộ được chia thành ba loại: điều tra chọn mẫu, điều tra trọng điểm và điều tra chuyên đề

– Điều tra chọn mẫu: là một loại điều tra không toàn bộ, trong đó người ta chọn ra một số đơn vị để điều tra trong thực tế. Các đơn vị này được chọn theo những nguyên tắc nhất định để đảm bảo tính đại diện của chúng cho tổng thể chung.

àKết quả của điều tra chọn mẫu được dùng để đánh giá, suy rộng cho toàn bộ tổng thể.

Ví dụ: để đánh giá chất lượng sản phẩm được sản xuất tại một nhà máy, người ta chọn ra một số sản phẩm nhất định (theo nguyên tắc nào đó) trong lô sản phẩm đã được sản xuất để đánh giá chất lượng của chúng. Kết quả này là cơ sở đánh giá chất lượng của toàn bộ lô sản phẩm đã được sản xuất.

– Điều tra trọng điểm: là một loại điều tra không toàn bộ, trong đó người ta chỉ tiến hành điều tra ở bộ phận chủ yếu nhất của tổng thể chung.

àKết quả của điều tra trọng điểm không dùng để đánh giá, suy rộng cho toàn bộ tổng thể nhưng giúp nắm được tình hình cơ bản của hiện tượng nghiên cứu.

Ví dụ: Để nghiên cứu tình hình trồng chè ở các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, người ta chọn tỉnh Thái Nguyên để điều tra.

– Điều tra chuyên đề: là một loại điều tra không toàn bộ, trong đó người ta chỉ chọn ra một số ít các đơn vị tổng thể, thậm chí chỉ một đơn vị tổng thể nhưng đi sâu nghiên cứu chi tiết nhiều khía cạnh khác nhau của đơn vị đó.

à Kết quả của điều tra chuyên đề không dùng để suy rộng cho toàn bộ tổng thể, không dùng làm căn cứ để đánh giá tình hình cơ bản của hiện tượng nghiên cứu nhưng có tác dụng trong nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh, nghiên cứu kinh nghiệm của các đơn vị tiên tiến hoặc phân tích nguyên nhân yếu kém của các đơn vị lạc hậu.

  1. Các hình thức tổ chức điều tra thống kê

Hai hình thức chủ yếu để thu thập thông tin thống kê là: báo cáo thống kê định kỳ và điều tra chuyên môn.

* Hình thức báo cáo thống kê định kỳ: báo cáo thống kê định kỳ là hình thức thu thập số liệu dựa vào các biểu mẫu báo cáo thống kê được lập sẵn. Theo đó, các đơn vị báo cáo ghi số liệu vào biểu mẫu và gửi lên cấp trên. Các báo cáo này thường được thực hiện thường xuyên, định kỳ theo nội dung, phương pháp và chế độ báo cáo được quy định thống nhất.

Ví dụ: Báo cáo định kỳ về lao động, thu nhập của các đơn vị hành chính sự nghiệp áp dụng theo chế độ báo cáo của Tổng cục Thống kê.

* Hình thức điều tra chuyên môn: là hình thức tổ chức thu thập thông tin thống kê một cách không thường xuyên, được tiến hành theo một kế hoạch và phương pháp quy định riêng cho mỗi lần điều tra.

Ví dụ: các cuộc tổng điều tra dân số ngày 1/4/1989; 1/4/1999; 1/4/2009. Mặc dù các cuộc điều tra này được tiến hành theo chu kỳ, có tính kế thừa nhưng mỗi cuộc điều tra đều có mục đích, nội dung, kế hoạch và phương pháp điều tra riêng, nên chúng phải được thiết kế độc lập.

– Điều tra chuyên môn được dùng để kiểm tra chất lượng của báo cáo thống kê định kỳ, chỉnh sửa hoặc bổ sung những thông tin chi tiết mà báo cáo thống kê định kỳ chưa phản ánh được.

 

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *