Vốn đầu tư là một nguồn lực quan trọng cho hoạt động đầu tư. Đứng trên góc độ vĩ mô, nguồn hình thành vốn đầu tư phát triển bao gồm nguồn vốn trong nước va nguồn vốn nước ngoài.
Nguồn vốn đầu tư trong nước được hình thành từ phần tích lũy của nội bộ nền kinh tế. Nguồn vốn trong nước bao gồm nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn khu vực dân doanh.
Nguồn vốn đầu tư nhà nước bao gồm nguồn vốn của ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Đây là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn và có ý nghĩa quan trọng cho hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước chiếm khoảng 51% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Chi đầu tư phát triển trong giai đoạn này cũ chiếm khoảng 30% tổng chi ngân sách nhà nước (Vũ Đình Bách, 2008)
Nguồn vốn dân doanh bao gồm phần tích lũy của dân cư, của các doanh nghiệp dân doanh (công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, hợp tác xã…) được đưa vào quá trình tái sản xuất xã hội thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển. Cùng với quá trình đổi mới và mở cửa, quy mô vốn của khu vực này không ngừng gia tăng.
Nguồn vốn nước ngoài bao gồm: nguồn tài trợ phát triển chính thức (ODF) trong đó ODA chiếm tỷ trọng cơ bản (nguồn vốn ODA trong quá trình quản lý sử dụng có thể được chuyển vào ngân sách, được đưa vào phần tín dụng đầu tư của nhà nước, thực hiện các dự án đôc lập. Tuy nhiên đứng trên góc độ nguồn hình thành, vẫn có thể xem xét đây là nguồn vốn đôc lập và trên thực tế có thể bọc tách được); nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại nước ngoài và nguồn huy động qua thị trường vốn quốc tế.
Đối với Việt Nam, trong thời gian qua mới chủ yếu tập trung thu hút được từ hai nguồn vốn nước ngoài cơ bản là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thực tế cũng cho thấy hai nguồn này đã có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, khi quá trình hội nhập kinh tế mà Việt Nam đang chủ động tham gia diễn ra ngày càng sâu sắc hơn thì các nguồn vốn đầu tư nước ngoài khác sẽ chiếm vị thế ngày càng đáng kể hơn. Quy mô vốn đầu tư huy động có thể lớn hơn nhưng mức độ tương thuộc trong hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp và của nền kinh tế cũng cao hơn.