Liệt kê các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế và phân tích nguyên tắc đe doạ sử dụng vũ lực và cấm đe doạ sử dụng vũ lực.

Please follow and like us:

Đáp án tham khảo

Xem thêm: Tại đây

A. Có bảy nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế, đó là:
1. Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia
2. Nguyên tắc cấm đe dọa dùng vũ lực hay dùng vũ lực
3. Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế
4. Nguyên tắc không can thiệp và công việc nội bộ của quốc gia khác
5. Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác
6. Nguyên tắc dân tộc tự quyết
7. Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda)

B. Phân tích nguyên tắc đe doạ sử dụng vũ lực và cấm đe doạ sử dụng vũ lực.
Quá trình dân chủ hoá đời sống quốc tế tất yếu dẫn đến sự hạn chế dùng sức mạnh hay đe dọa dùng sức mạnh trong quan hệ giữa các chủ thể luật quốc tế với nhau. Khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc quy định “Tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc trong quan hệ quốc tế không được đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc nhằm những mục đích khác không phù hợp với mục đích của Liên hợp quốc”. Theo quy định nêu trên thì việc một chủ thể dùng các loại sức mạnh nhằm khống chế, đe dọa tấn công, tấn công, hoặc cưỡng bức trái pháp luật quốc tế đối với một chủ thể khác trong quan hệ quốc tế là hành vi vi phạm luật quốc tế.

Sau này, nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong Hiến chương đã được cụ thể hoá trong một loạt các văn bản quốc tế quan trọng được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc như Tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc (do Đại hội đồng thông qua năm 1970); Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1974 về định nghĩa xâm lược, Định ước của Hội nghị Henxinki năm 1975 về An ninh và hợp tác của các nước châu Âu; Tuyên bố năm 1987 về việc Nâng cao hiệu quả của nguyên tắc khước từ đe dọa dùng sức mạnh hoặc đe dọa dùng sức mạnh trong quan hệ quốc tế…

Định ước Henxinki (Helsinki) năm 1975 quy định, các quốc gia tham gia sẽ “khước từ sử dụng mọi biện pháp mang tính cưỡng bức đối với quốc gia, thành viên khác, khước từ tiến hành hành vi cưỡng bức về kinh tế”. Như vậy, khái niệm vũ lực theo luật quốc tế hiện đại không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ là sử dụng hoặc đe dọa sử dụng lực lượng vũ trang để chống lại chủ quyền, độc lập của quốc gia khác mà còn mở rộng việc nghiêm cấm sử dụng các sức mạnh hay đe dọa dùng sức mạnh phi vũ trang khác.

Nguyên tắc cấm đe dọa dùng vũ lực hay dùng vũ lực trước tiện nghiêm cấm chiến tranh xâm lược. Theo Định nghĩa xâm lược năm 1974, việc một quốc gia sử dụng lực lượng vũ trang trước tiên được coi là hành động gây chiến tranh xâm lược, là tội ác quốc tế, làm phát sinh trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia và trách nhiệm hình sự quốc tế của các tội phạm chiến tranh.

Ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX, luật quốc tế đã đặc biệt nhấn mạnh tới nghĩa vụ của các quốc gia phải khước từ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống lại sự bất khả xâm phạm lãnh thổ, biên giới của quốc gia khác, Nội dung của nguyên tắc này bao gồm:

– Cấm xâm chiếm lãnh thổ quốc gia khác trái với các quy phạm của luật quốc tế;

– Cấm các hành vi trấn áp bằng vũ lực;

– Không được cho quốc gia khác sử dụng lãnh thổ nước mình để tiến hành xâm lược chống quốc gia thứ ba;

– Không tổ chức, xúi giục, giúp đỡ hay tham gia vào nội chiến hay các hành vi khủng bố tại quốc gia khác;

– Không tổ chức hoặc khuyến khích việc tổ chức các băng nhóm vũ trang, lực lượng vũ trang phi chính quy, lính đánh thuê để đột nhập vào lãnh thổ quốc gia khác.

Hiến chương Liên hợp quốc tuy không quy định cụ thể các biện pháp vũ lực nào là bất hợp pháp nhưng lại quy định các biện pháp vũ lực hợp pháp để chống lại xâm lược, thực hiện quyền tự vệ nhằm bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia. Các điều từ 42 đến 47 và Điều 51 của Hiến chương quy định về những trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang hợp pháp còn các điều 41 và 50 thì lại quy định về những trường hợp sử dụng sức mạnh phi vũ trang hợp pháp. Hiến chương Liên hợp quốc chỉ quy định hai trường hợp sử dụng hợp pháp lực lượng vũ trang vào mục đích tự vệ (Điều 51) và theo quyết định của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khi có đe dọa hòa bình, xâm phạm hoà bình hoặc bị xâm lược (các điều từ 39 đến 42). Sử dụng lực lượng vũ trang để tự vệ chỉ được Hiến chương cho phép khi có sự tấn công vũ trang chống lại quốc gia. Điều 51 của Hiến chương còn cấm một quốc gia sử dụng lực lượng vũ trang chống lại quốc gia khác khi quốc gia này chỉ sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc chính trị (hành vi tự vệ phải tương xứng với hình thức tấn công). Như vậy, quyền tự vệ vũ trang chỉ áp dụng khi có sự tấn công vũ trang của quốc gia khác.

Riêng đối với Hội đồng bảo an, Điều 42 Hiến chương quy định, tuỳ từng trường hợp nếu những biện pháp phi quân sự được khuyến nghị không đủ để giải quyết tranh chấp thì Hội đồng bảo an có thể tiến hành các biện pháp cần thiết, như sử dụng lực lượng không quân, hải quân hoặc lục quân để duy trì hoặc lập lại hòa bình và an ninh quốc tế. Những biện pháp này bao gồm cả biểu dương lực lượng, bao vây phong toả và tiến hành chiến dịch bằng không quân, hải quân hoặc lục quân.

Đáp án tham khảo

Xem thêm: Tại đây

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *