Hàng hóa là gì? Vì sao hàng hóa lại có hai thuộc tính là giá trị và giá trị sử dụng?
Hàng hóa là gì?
Theo định nghĩa của Karl Marx, hàng hóa là sản phẩm của lao động, thông qua trao đổi, mua bán có thể thỏa mãn một số nhu cầu nhất định của con người. Hàng hóa có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu sản xuất.
Hàng hóa có thể tồn tại dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể. Từ khái niệm này, ta có thể rút ra kết luận một đồ vật muốn trở thành hàng hoá cần phải thỏa mãn 3 yếu tố:
– Hàng hóa là sản phẩm của lao động
– Hàng hóa có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người
– Thông qua trao đổi, mua bán
Vì sao hàng hóa lại có hai thuộc tính là giá trị và giá trị sử dụng?
Hàng hoá có hai thuộc tính: giá trị sử dụng và giá trị, hai thuộc tính đó không phải do có hai loại lao động khác nhau kết tinh trong nó, mà do lao động của người sản xuất hàng hoá có tính hai mặt: lao động cụ thể và lao động trừu tượng. C.Mác là người đầu tiên phát hiện ra tính chất hai mặt đó.
- Lao động cụ thể
– Lao động cụ thể là lao động có ích dưới một hình thức cụ thể của những nghề nghiệp chuyên môn nhất định.
– Lao động cụ thể tạo ra giá trị sử dụng: Mỗi lao động cụ thể có đối tượng lao động, mục đích riêng, công cụ lao đông riêng, phương pháp hoạt động riêng, và kết quả lao động riêng tạo ra những sản phẩm có công dụng khác nhau, tức là tạo ra nhiều giá trị sử dụng của hàng hóa.
- Lao động trừu tượng
– Lao động trừu tượng là lao động của người sản xuất hàng hóa không kể đến hình thức cụ thể của nó, để quy về một cái chung nhất, đó chính là sự tiêu hao sức lao động ( tiêu hao bắp thịt, thần kinh, bộ óc) của người lao động sản xuất hàng hóa nói chung.
– Lao động trừu tượng tích lũy trong hàng hóa và tạo ra giá trị.
+ Chỉ có lao động của người lao động sản xuất hàng hóa mới mang tính trừu tượng và tạo ra giá trị hàng hóa.
+ Lao động trừu tượng chính là mặt chất của giá trị hàng hóa.
Tất nhiên không phải có hai thứ lao động kết tinh trong hàng hóa mà chỉ là lao động của người sản xuất hàng hóa có tính hai mặt.
– Tính chất hai mặt nói trên liên quan đến tính chất tư nhân và tính chất xã hội của lao động sản xuất hàng hóa.
+ Tính chất tư nhân: Mỗi người sản xuất hàng hoá có tính tự chủ của mình nên sản xuất ra cái gì, sản xuất như thế nào là việc riêng của họ. Vì vậy, lao động của họ trở thành việc riêng, mang tính tư nhân và lao động cụ thể của họ là biểu hiện của lao động tư nhân.
+ Tính chất xã hội: Lao động của mỗi sản xuất hàng hóa cũng là một bộ phận của lao động xã hội trong hệ thống phân công lao động xã hội. Phân công lao động xã hội làm cho lao động của người sản xuất trở thành một bộ phận trong lao động xã hội, từ đó tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những người sản xuất hàng hoá. Họ làm việc cho nhau, người này làm việc vì người kia thông qua trao đổi, mua bán hàng hóa. Việc trao đổi hàng hoá không thể dựa vào lao động cụ thể mà phải quy thành lao động đồng nhất là lao động trừu tượng. Do đó, lao động trừu tượng là biểu hiện của lao động xã hội.