Chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu

Please follow and like us:

Chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu

 Nguồn nhân lực xuất khẩu

Nguồn nhân lực theo nghĩa rộng được hiểu là nguồn lực con người  của một quốc gia có thể huy động để tham gia vào quá trình phát triển  kinh tế – xã hội của đất nước. Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả  năng lao động xã hội, bao gồm nhóm dân cư trong độ tuổi lao động và có  khả năng lao động.

Nguồn nhân lực xuất khẩu của quốc gia là những người trong độ  tuổi lao động, có khả năng năng lao động, đã có việc làm hoặc chưa có  việc làm, có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động  quốc tế.

Nguồn nhân lực xuất khẩu của doanh nghiệp là những lao động mà  doanh nghiệp tìm kiếm, tuyển chọn được, đang trong quá trình đào tạo,  nâng cao trình độ, tay nghề, giáo dục định hướng và hoàn chỉnh thủ tục  để đi làm việc ở nước ngoài.

Nguồn nhân lực xuất khẩu mà các doanh nghiệp XKLĐ ở Việt  Nam có thể khai thác gồm:

– Nguồn nhân lực đang tham gia vào hoạt động kinh tế: Đây là  những người đã có việc làm, tuy nhiên họ vẫn có nhu cầu chuyển đổi  nghề nghiệp, thay đổi môi trường làm việc, tìm kiếm việc làm mới… để  tăng thu nhập.

 – Những người có khả năng lao động nhưng vì những lý do khác  nhau chưa có việc làm, gồm:

+ Học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp các trường trung học phổ  thông, trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học… Đây là nguồn lao  động có chất lượng mà các doanh nghiệp XKLĐ cần tìm kiếm, khai thác.

+ Những người nội trợ trong gia đình: Thường là những người phụ  nữ ở các vùng nông thôn, công việc chủ yếu của họ là làm nội trợ, chăm  sóc con cái, nhưng do cuộc sống khó khăn, họ có nhu cầu được lao động,  làm việc để kiếm sống. Tuy nhiên đa số lao động này chưa biết nghề,  trình độ văn hoá thấp, thiếu kiến thức xã hội. Họ thường đăng ký đi giúp  việc gia đình ở nước ngoài.

 + Những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Những lao động  này thường có tác phong kỷ luật cao, sức khoẻ tốt. Tuy nhiên cũng cần  được đào tạo ngoại ngữ và tay nghề để có thể tham gia vào thị trường lao  động quốc tế.

+ Người làm nông nghiệp theo mùa vụ và những người có việc  làm không ổn định. Những người này đa số xuất phát từ những vùng  nông thôn, trình độ văn hoá thấp, ít có điều kiện tiếp xúc, giao lưu với  “xã hội bên ngoài”, ít khi đi khỏi nơi cư trú (làng, xã), vì vậy kiến thức  xã hội bị hạn chế.

+ Lao động nông nghiệp bị mất đất do quá trình đô thị hoá, công  nghiệp hoá. Nhiều khu công nghiệp và đô thị mới được xây dựng, đi liền  với đó là tình trạng mất việc làm của lao động nông thôn gia tăng. Ước  tính mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động rơi vào tình trạng mất việc làm  và mỗi hecta đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động bị thất  nghiệp. Bên cạnh đó giá cả liên tục tăng, thu nhập của nông dân thấp,  không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Vì vậy họ có nhu cầu  chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm mới hoặc đi XKLĐ. Tuy  nhiên đây cũng là lực lượng lao động có trình độ thấp nên việc đào tạo,  đặc biệt là đào tạo ngoại ngữ cho số đối tượng này rất khó khăn.

+ Lao động dôi dư trong quá trình cải cách, cổ phần hoá các doanh  nghiệp Nhà nước: Số lao động này thường có độ tuổi tương đối cao (54% trên 45 tuổi), trình độ rất khác nhau (40% không có bằng cấp,  4,5% có trình độ đại học, 33,25% là công nhân kỹ thuật). Vì vậy việc  chuyển đổi nghề nghiệp hay đào tạo họ rất khó khăn.

Người đi XKLĐ theo quy định tại Điều 3 Luật người lao động Việt  Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng “là công dân Việt Nam, cư  trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt  Nam và pháp luật nước tiếp nhận người lao động, đi làm việc ở nước  ngoài theo quy định của Luật này”. Người lao động muốn tham gia hoạt  động XKLĐ phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật  hiện hành, cụ thể:

 – Có năng lực hành vi dân sự;

– Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;

– Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;

 – Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu  của nước tiếp nhận lao động;

– Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay  nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận lao động;

– Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;

– Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp  luật Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có nguồn lao động dồi dào, nhưng giá nhân  công rẻ, thiếu lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật.  Để có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá,  hiện đại hoá đất nước, chúng ta buộc phải tăng cường đầu tư, đào tạo,  nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để cung cấp cho thị trường lao động  trong nước và quốc tế.

Chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu

Có nhiều quan niệm khác nhau về chất lượng sản phẩm:

– Theo hướng phục vụ khách hàng, chất lượng sản phẩm là mức độ thoả mãn nhu cầu hay sự phù hợp với những đòi hỏi của người tiêu dùng.

– Xuất phát từ tính cạnh tranh thì chất lượng cung cấp những thuộc tính mang lại lợi thế cạnh tranh nhằm phân biệt nó với những sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Chất lượng nguồn nhân lực là khả năng làm việc có hiệu quả của người lao động và chịu ảnh hưởng tổng hợp của nhiều yếu tố như: giáo dục, đào tạo, tập quán, truyền thống văn hoá, chất lượng cuộc sống, điều kiện làm việc, các chính sách của Nhà nước…

Chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu là những đặc tính thoả mãn nhu cầu và mục đích sử dụng của nhà nhập khẩu lao động trong giới hạn chi phí nhất định.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cạnh tranh đang trở thành một yếu tố mang tính quốc tế, đóng vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Do đó chất lượng sản phẩm trở thành một trong những chiến lược quan trọng làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chất lượng tạo nên đặc tính và sự khác biệt của sản phẩm, mặt khác yêu cầu về chất lượng của thị trường nước ngoài rất khắt khe. Vì vậy nguồn nhân lực ổn định, đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng sẽ tạo ấn tượng tốt, tạo niềm tin và có tác động lớn đến quyết định lựa chọn nguồn cung cấp nhân lực của phía đối tác nhập khẩu lao động. Cũng nhờ đó mà uy tín và vị thế của các doanh nghiệp XKLĐ tăng lên, là cơ sở cho khả năng duy trì và mở rộng thị trường, tạo sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu là giải pháp chính để tăng doanh thu, lợi nhuận, mở rộng các mối quan hệ, trao đổi thương mại trên thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp XKLĐ.

Mặt khác các doanh nghiệp nhập khẩu lao động luôn có sự lựa chọn nguồn nhân lực có chất lượng, phù hợp và đáp ứng được yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Vì vậy đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước XKLĐ, giữa các doanh nghiệp XKLĐ trong một nước.

 

 

 

 

 

 

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *