CÂU HỎI ÔN TẬP NGHIÊN CỨU TRONG KINH DOANH

Please follow and like us:

CÂU HỎI ÔN TẬP NGHIÊN CỨU TRONG KINH DOANH

Câu 1: Anh/Chị hãy cho biết nghiên cứu trong kinh doanh là gì? Hãy trình bày đặc điểm nghiên cứu trong kinh doanh.

Nghiên cứu trong kinh doanh là quá trình thu thập, ghi chép, phân tích dữ liệu một cách có hệ thống, có mục đích nhằm hổ trợ cho việc ra quyết định kinh doanh.

*Đặc điểm các nghiên cứu trong kinh doanh:

+ Thông tin được thu thập một cách có hệ thống: Tức là thông tin được thu thập một cách khoa học, có tính chọn lọc.

+ Thông tin chính xác: Thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình ra quyết định kinh doanh. Nguồn thông tin lệch lạc thì sẽ dẫn đến những sai lầm trong việc ra quyết định kinh doanh, dẫn đến những hậu quả khôn lường.

+ Phải có mục tiêu rõ ràng: Phục vụ cho việc ra quyết định quản lý kinh doanh. Trước khi tiến hành nghiên cứu trong kinh doanh thì chúng ta phải xác định được mục tiêu sẽ làm gì? Và nghiên cứu đó dung để làm gì. Để từ đó có hướng đi thích hợp cho quá trình nghiên cứu.

Câu 2: Anh/Chị hãy phân loại các nghiên cứu trong kinh doanh.

  1. Theo mục tiêu nghiên cứu

– Nghiên cứu khám phá: Là một loại hình nghiên cứu thực hiện bởi vì một vấn đề chưa được xác định rõ ràng. Thăm dò nghiên cứu giúp xác định việc thiết kế nghiên cứu tốt nhất, phương pháp thu thập dữ liệu và lựa chọn các đối tượng.

Nghiên cứu mô tả: Mô tả các đặc hiện tượng hay các đặc điểm liên quan tới đám đông (Ai? Cái gì? Ở đâu và như thế nào?). Nghiên cứu mô tả nhằm cố gắng giải thích mối quan hệ giữa các biến.

– Nghiên cứu nguyên nhân: Được thực hiện bằng cách kiểm soát những nhân tố khác nhau để xác định xem nhân tố nào gây ra kết quả, thường cần sự thử nghiệm khá phức tạp và đắt tiền.

  1. Theo kỹ thuật thu thập thông tin

– Nghiên cứu định tính: Nghiên cứu định tính là một phương pháp tiếp cận nhằm tìm cách mô tả và phân tích đặc điểm văn hóa và hành vi của con người và của nhóm người từ quan điểm của nhà nghiên cứu. Nghiên cứu định tính cung cấp thông tin toàn diện về các đặc điểm của môi trường xã hội nơi nghiên cứu được tiến hành.

– Nghiên cứu định lượng: Là phương pháp thu thập dữ liệu bằng con số và giải quyết quan hệ giữa lí thuyết và nghiên cứu theo quan niệm diễn dịch.

Câu 3: Anh/Chị hãy cho biết những lưu ý khi đặt tên đề tài.

+ Tên đề tài phải ngắn gọn, không nên quá dài, súc tích, ít chữ nhất nhưng chứa đựng nhiều thông tin nhất.

+ Ngôn ngữ dùng trong tên đề tài phải rõ ràng, chuẩn xác để có thể được hiểu theo một nghĩa duy nhất, không được tạo khả năng hiểu thành nhiều nghĩa.

+ Không nên đặt tên đề tài luận văn bằng những cụm từ có độ bất định cao về thông tin, như: “Một số vấn đề”; “Một số giải pháp”; “ Một số suy nghĩ về”; “Đôi điều về”; “Thực trạng và giải pháp,…”. Cách đặt tên đề tài mập mờ trên đây chỉ thích hợp cho một bài báo chứ không thích hợp cho một công trình khoa học, như luận văn, luận án và các công trình khoa học khác.

Câu 4: Anh/Chị hãy cho biết những lưu ý khi trình bày mục tiêu nghiên cứu.

+ Mục tiêu nghiên cứu chỉ rõ chúng ta muốn biết hay đạt được cái gì (?)

+ Cách trình bày mục tiêu nghiên cứu nên bắt đầu bằng động từ.

+ Mục tiêu phải diễn đạt được kết quả mong đợi mà nó có thể quan sát được và đo lường được mục tiêu chung/tổng quát.

+ Mục tiêu cụ thể không nên đặt quá nhiều mục tiêu.

+ Mục tiêu có thể được thay đổi và xác định lại trong tiến trình xây dựng đề cương nghiên cứu hoặc tiến trình thực hiện nghiên cứu.

Câu 5: Dữ liệu thứ cấp là gì? Anh/Chị hãy cho biết ưu điểm và hạn chế của phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp.

– Khái niệm dữ liệu thứ cấp: Dữ liệu thứ cấp là những dữ liệu, thông tin đã có trong một tài liệu nào đó, đã được thu thập cho một mục đích khác.

– Ưu điểm và hạn chế của phương pháp

 + Ưu điểm: Tiết kiệm chi phí và thời gian thu thập nhanh

 + Nhược điểm:

  • Dễ lạc hậu theo thời gian: Một đặc tính của thông tin mà chúng ta đặc biệt quan tâm đó là tính biến động của thông tin. Thông tin có thể thay đổi trong thời gian rất ngắn. Chính vì thế với nguồn dữ liệu thứ cấp thu thập được từ các nguồn khác rất có thể là nguồn thông tin đã cũ, và hiện tại đã được thay đổi.
  • Không đáp ứng đúng nhu cầu: Mặc dù, nguồn dữ liệu thứ cấp rất đa dạng từ các nguồn khác nhau. Tuy nhiên, không phải bất kỳ dữ liệu nào cũng đáp ứng được nhu cầu của những nhà nghiên cứu. Lý do ở đây có thể là tính bảo mật nguồn thông tin hoặc trước đó không có hoặc rất hiếm đề tài tương tự đã được nghiên cứu.
  • Khó tiếp cận: Do tính chất quan trọng của số liệu nên không phải số liệu nào ta cũng có thể thu thập được.

Câu 6: Anh/Chị hãy cho biết các nguồn dữ liệu thứ cấp cơ bản.

+ Nguồn nội bộ: Các báo cáo chức năng khác nhau trong công ty (báo cáo về chi phí, báo cáo về doanh thu, hoạt động phân phối chức năng,…)

+ Nguồn bên ngoài: Cơ quan thống kê và quản lý nhà nước; Các tổ chức hiệp hội; Sách, tạp chí học thuật chuyên ngành; luận văn, khóa luận, kết quả hội nghị; các phương tiện truyền thông( internet, bách khoa mở,…); các tổ chức thương mại.

Câu 7: Dữ liệu sơ cấp là gì? Anh/Chị hãy cho biết ưu điểm và hạn chế của phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp.

– Khái niệm dữ liệu sơ cấp: Dữ liệu sơ cấp là những dữ liệu được nhà nghiên cứu thiết kế thu thập và sử dụng trực tiếp cho mục đích nghiên cứu của mình.

– Ưu điểm và hạn chế của phương pháp

+ Ưu điểm: Đáp ứng tốt nhu cầu và mục tiêu nghiên cứu.

+ Nhược điểm: Tốn kém chi phí và thời gian.

Câu 8: Anh/Chị hãy cho biết phương pháp điều tra theo hình thức phỏng vấn cá nhân là gì? Khi nào áp dụng phương pháp này? Ưu và nhược điểm của phương pháp này là gì?

– Phỏng vấn cá nhân: Là phương thức thu thâp dữ liệu dựa vào sự tiếp xúc trực tiếp giữa một người trả lời phỏng vấn và người phỏng vấn. Có thể chia làm 2 loại: Phỏng vấn có thỏa thuận trước và phỏng vấn chặn đường. Nhân viên điều tra đến gặp trực tiếp đối tượng được điều tra để phỏng vấn theo một bảng câu hỏi đã soạn sẵn.

– Áp dụng:

+ Mục tiêu nghiên cứu chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Vấn đề và mục tiêu nghiên cứu có thể sửa hoặc xem lại trong quá trình nghiên cứu.

+ Một loạt các câu trả lời có khả năng chưa được biết trước. Một số người trả lời có thể trình bày các quan điểm mới mà người nghiên cứu chưa biết tới.

+ Người nghiên cứu cần có sự lựa chọn đề xuất hay trình bày thêm những câu hỏi dựa trên thông tin từ người trả lời.

+ Một số người trả lời có thể có thông tin chất lượng cao và người nghiên cứu mong muốn tìm hiểu sâu hơn với họ về đề tài nghiên cứu.

+ Các câu hỏi có liên quan tới kiến thức ẩn, không nói ra hoặc quan điểm cá nhân (thái độ, giá trị, niềm tin, suy nghĩ,…).

+ Người nghiên cứu có thể cung cấp thêm thời gian và chi phí cho phỏng vấn và đi lại.

+ Một số người trả lời có những khó khăn trong cách diễn đạt bằng cách viết.

+ Chúng ta muốn công bố báo cáo có liên quan đến công bố chung.

– Ưu điểm: Do gặp mặt trực tiếp nên nhân viên điều tra có thể thuyết phục đối tượng trả lời, có thể giải thích rõ cho đối tượng về các câu hỏi, có thể dùng hình ảnh kết hợp với lời nói để giải thích, có thể kiểm tra dữ liệu tại chỗ trước khi ghi vào phiếu điều tra.

– Nhược điểm: Có khả năng phát sinh sai sót và tái phỏng vấn. Đồng thời chi phí cao, mất nhiều thời gian và công sức.

Câu 9: Anh/Chị hãy cho biết phương pháp điều tra theo hình thức phỏng vấn qua điện thoại là gì? Ưu và nhược điểm của phương pháp này là gì?

– Phỏng vấn qua điện thoại: Là phương thức thu thập dữ liệu dựa vào sự tiếp xúc với nhau bằng giọng nói (qua điện thoại) giữa người phỏng vấn và đối tượng được phỏng vấn.

– Ưu điểm: Tốc độ nhanh; ít tốn kém chi phí; khả năng hợp tác; khả năng tái phỏng vấn.

Nhược điểm: Tuy nhiên thời gian phỏng vấn bị hạn chế vì người trả lời thường không sẵn lòng nói chuyện lâu qua điện thoại, nhiều khi người cần hỏi từ chối trả lời hay không có ở nhà.  Không thể trình bày các mẫu minh họa về mẫu quảng cáo, tài liệu,… để thăm dò ý kiến.

Câu 10: Anh/Chị hãy cho biết hình thức điều tra chọn mẫu là gì? Ưu và nhược điểm của hình thức này là gì?

– Điều tra chọn mẫu: Là loại điều tra không toàn bộ, trong đó người ta chọn một số đủ lớn đơn vị đại diện trong toàn bộ các đơn vị của tổng thể chung để điều tra rồi dùng kết quả thu thập được tính toán, suy rộng thành các đặc điểm của toàn bộ tổng thể chung.

– Ưu điểm

+ Tiết kiệm hơn: Do chỉ điều tra thực tế trên một số ít đơn vị nên tiết kiệm được chi phí về nhân lực, vật lực và thời thời gian.

+ Nhanh hơn: Do chỉ điều tra thực tế trên một số ít đơn vị nên mọi công tác chuẩn bị sẽ gọn hơn, số lượng tài liệu ghi chép ít hơn, thời gian điều tra tổng hợp và phân tích sẽ ngắn hơn. Điều này làm cho điều tra chọn mẫu có tính kịp thời cao.

+ Chính xác hơn: Số nhân viên điều tra cần ít hơn nên có thể chọn được những nhân viên có trình độ nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm. Việc tập huấn cho nhân viên điều tra gọn hơn và tốt hơn, đồng thời việc kiểm tra số liệu có thể tiến hành tỉ mĩ và tập trung hơn, làm giảm được các sai số chủ quan.

– Nhược điểm của điều tra chọn mẫu

+ Do chỉ tiến hành thu thập số liệu trên một số ít quan sát từ tổng thể chung nên kết quả tính toán luôn có một khoảng chênh lệch so với giá trị thực của tổng thể gọi là sai số chọn mẫu (sai số do tính chất đại diện của mẫu).

+ Sai số này phụ thuộc vào độ đồng đều của của các quan sát, quy mô mẫu và phương pháp chọn mẫu.

Câu 11: Anh/Chị hãy trình bày các bước trong quy trình thiết kế bảng hỏi, các loại câu hỏi điều tra và những điều nên tránh khi xây dựng câu hỏi điều tra.

  1. Các bước trong quy trình thiết kế bảng hỏi
  • Xác định các dữ liệu cần tìm: Dựa vào mục tiêu và nội dung nghiên cứu
  • Xác định phương pháp phỏng vấn: Tùy theo phương pháp phỏng vấn (gởi thư, gọi điện thoại, phỏng vấn trực tiếp,…) sẽ thiết kế bảng câu hỏi khác nhau.
  • Phác thảo nội dung bảng câu hỏi
  • Chọn dạng cho câu hỏi: Có 2 dạng câu hỏi là câu hỏi đóng và câu hỏi mở
  • Xác định từ ngữ thích hợp cho bảng câu hỏi (bao gồm cả dịch câu hỏi và mã hóa câu hỏi)
  • Xây dựng cấu trúc bảng hỏi
  • Thiết kế việc trình bày bảng câu hỏi
  • Điều tra thử để điều chỉnh bảng câu hỏi; đánh giá độ giá trị và độ tin cậy.
  1. Các loại câu hỏi điều tra
  • Câu hỏi mở:  Câu hỏi mở là những câu hỏi có từ để hỏi, như: “ai, cái gì, ở đâu, khi nào, như thế nào và tại sao”  hoặc cũng có thể bắt đầu bằng các cụm từ như “Bạn nghĩ gì về…?”, “Bạn cảm thấy như thế nào về…?”
  • Câu hỏi đóng: Là câu hỏi chứa đựng toàn bộ phương án có khả năng trả lời. Người được phỏng vấn phải chọn những đáp án có sẵn do người phỏng vấn thiết kế:

+ Liệt kê                      + Mức độ

+ Phân loại                  + Số lượng

+ Xếp hạng                  + Mạng lưới

  1. Những điều nên tránh khi xây dựng câu hỏi điều tra
  • Đặt câu hỏi quá dài
  • Đặt câu hỏi mơ hồ, không rõ ràng
  • Đặt câu hỏi bắt người trả lời phải hồi tưởng nhiều.
  • Đặt câu hỏi đã gợi ý sẵn câu trả lời
  • Đặt câu hỏi làm cho người trả lời có xu hướng trả lời cực đoan
  • Dùng ngôn ngữ không phù hợp với đối tượng được hỏi
  • Hỏi trực tiếp những vấn đề riêng tư cá nhân
  • Đặt câu hỏi ghép, có 2 ý cùng một lúc
  • Đặt câu hỏi trả lời thằng vào mục tiêu nghiên cứu đề tài

Câu 12: Anh/Chị hãy trình bày các bước trong quy trình xử lý dữ liệu.

–  Hiệu chỉnh dữ liệu

   Đây là bước kiểm tra chất lượng bảng câu hỏi nhằm đảm bảo không có bảng hỏi nào thiếu thông tin cần thiết theo yêu cầu thiết kế ban đầu

+ Tính logic của các câu trả lời

+ Tính đầy đủ của một câu trả lời và của một bảng hỏi

+ Tính hợp lý và xác thực của các câu trả lời

Các phương pháp xử lý, hiệu chỉnh dữ liệu:

+ Trả về cho bộ phận thu thập dữ liệu để làm sáng tỏ lại vấn đề

+ Suy luận từ các câu trả lời khác

+ Loại bỏ toàn bộ bảng câu hỏi

–  Mã hóa dữ liệu

+ Khái niệm: Mã hóa dữ liệu là chuyển đổi thông tin nghiên cứu đã thu thập thành dạng ký hiệu thích hợp cho việc phân tích trên máy tính

+ Nguyên tắc mã hóa:

  • Phù hợp với vấn đề NC và mục tiêu
  • Thống nhất
  • Toàn diện
  • Không trùng lắp

Câu 13: Nghiên cứu trong lĩnh vực kinh doanh không thể khoa học 100%. Hãy bình luận về phát biểu này?

Nghiên cứu khoa học là quá trình áp dụng các ý tưởng, nguyên lý và phương pháp khoa học để tìm ra kiến thức mới nhằm mô tả, giải thích hoặc dự báo các sự việc hay hiện tượng trong thế giới khách quan. Trong nghiên cứu khoa học thường được chia làm 2 dạng phổ biến là nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tự nhiên và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế- xã hội.

Nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế xã hội bao gồm cả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý – kinh doanh, thường không tiên tiến như lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán học, vật lý, hóa học,….

Mặt khác, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tự nhiên lấy đối tượng nghiên cứu là các chủ thể, các sự vật hiện tượng một cách khách quan nên tạo ra các khảo sát thực tế; hoàn toàn chính xác trong khi nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý kinh doanh thường không thể khoa học 100% vì đối tượng nghiên cứu của nó liên quan đến yếu tố con người, mà con người lại có những hành vi , thái độ, nhận thức,…khác nhau. Ví dụ như người lao động trí óc và người lao động chân tay thì sẽ có hành vi tiêu dùng khác nhau, chịu sự chi phối bởi yếu tố không gian, thời gian tác động đến đối tượng nghiên cứu mà cụ thể ở đây là con người.

Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý sẽ có nhiều yếu tố tham gia vào bài toán (hệ thống), chính điều này làm cho việc nghiên cứu khoa học trở nên lan man, dài dòng, việc tổng hợp, đúc kết dữ liệu trở nên khó khăn, thiếu sự chính xác tuyệt đối  chưa kể là có thể đưa ra nhận định sai lầm.

Việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý không chỉ chịu tác động của các biến phức tạp và khó tổng quát, khó đo đạc chính xác mà ngay cả người quan sát, người nghiên cứu có thể chủ quan và bị ảnh hưởng bởi các lập luận, lý thuyết, công trình nghiên cứu trước đó, đi theo lối mòn trước đó.

Ví dụ một đề tài nghiên cứu trước đó do chưa được kiểm chứng, bây giờ lại được đem ra nghiên cứu tiếp, nếu đề tài nghiên cứu đó phạm phải lỗi, mắc sai lầm thì việc nghiên cứu tiếp theo sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, rập khuôn. Hay việc nghiên cứu còn bị ảnh hưởng bởi sự chủ quan từ phía nhà nghiên cứu, nhà quan sát.

Tóm lại, những đặc điểm trên của nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý cho ta thấy rõ không thể nào khoa học được 100% mà bị chi phối bởi không những ở đối tựơng nghiên cứu mà còn cho cả người nghiên cứu. Mặc dù vậy việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý không thể khoa học 100% thì không nên nghiên cứu hay nghiên cứu đã thất bại mà việc nghiên cứu này cũng mang lại những đóng góp, thành quả nhất định. Tuy không hoàn toàn khoa học 100% nhưng việc nghiên cứu này vẫn phải đảm bảo đúng các chuẩn mực của việc nghiên cứu khoa học, vì thế kết quả nghiên cứu vẫn mang tính khoa học.

Câu 14: “Trong quá trình nghiên cứu, giai đoạn xác định vấn đề có lẽ quan trọng hơn giai đoạn giải quyết vấn đề”. Hãy thảo luận về câu phát biểu trên.

Trong quá trình nghiên cứu:

  1. Xác định phạm vi nghiên cứu
  2. Nguồn thông tin thu thập
  3. Xác định vấn đề

Bước xác định vấn đề là bước nền tảng và là bước đặc ra câu hỏi giải quyết vấn đề. Khi đã xác định được vấn đề thì gần như chúng ta đã giải quyết được một nữa công việc nghiên cứu. Những người nghiên cứu phải chắc chắn rằng họ hiểu được vấn đề để từ đó xác định vấn đề nghiên cứu và chỉ rỏ các mục tiêu nghiên cứu. Nếu nhà nghiên cứu phạm sai lầm ở giai đoạn này thì toàn bộ phần còn lại trở nên vô nghĩa.

Xác định vấn đề chính xác thì việc nghiên cứu mới thiết kế hợp lý để cung cấp thông tin thích hợp, dự án nghiên cứu chỉ thật sự bắt đầu khi vấn đề đã được xác định và sẽ không bị lãng phí thời gian và tiền bạc khi vấn đề được xác định đúng.

Việc xác định vấn đề là bước nền tảng để đặc ra câu hỏi nghiên cứu. Không xác định vấn đề được thì sẽ không bao giờ có được giai đoạn giải quyết vấn đề.

Câu 15: Tại sao người ta lại quá quan tâm vào việc xác định vấn đề nếu đã biết được phạm vi xảy ra vấn đề cần nghiên cứu?

Phương tây có ngạn ngữ: “xác định đúng vấn đề nghiên cứu là giải quyết được phân nửa vấn đề”. Vì tính chất quan trọng của việc xác định đúng vấn đề, một dự án nghiên cứu chỉ nên được bắt đầu khi nào vấn đề đã được xác định rõ ràng và chính xác.

Phạm vi nghiên cứu xác định cho chúng ta đối tượng nghiên cứu được khảo sát trong một phạm vi nhất định về mặt thời gian, không gian và lĩnh vực nghiên cứu. Phạm vi nghiên cứu giúp chúng ta có được vấn đề nghiên cứu phù hợp, đúng trọng tâm. Nhưng để có được một đề tài nghiên cứu hoàn hảo thì xác định vấn đề nghiên cứu chiếm một vị trí hết sức quan trọng.

Tìm một vấn đề trong xã hội không khó nhưng nhận ra vấn đề nào là vấn đề cần nghiên cứu lại không dễ. Xác định được vấn đề nghiên cứu là ta đã đi phân nửa con đường , bởi khi xác định được vấn đề nghiên cứu ta đã xác định được:

– Đề tài có gì mới?

– Kết quả nghiên cứu mang lại lợi ích gì?

– Tài liệu liên quan giúp chúng ta đi đến đâu? Chúng ta còn phải giải quyết những gì?

  • Thời gian có đủ không? Bản thân có đủ kiến thức để làm không?

Tóm lại, xác định vấn đề nghiên cứu là bước tiền đề, nền tảng để xác định phương pháp nghiên cứu phù hợp, xác định mục tiêu nghiên cứu, giúp giới hạn phạm vi nghiên cứu để công trình nghiên cứu được tiến hành thuận lợi và thành công.

Chẳng hạn như chúng ta xác định phạm vi nghiên cứu là giới trẻ ở TP. Hồ Chí Minh thì vẫn chưa đủ để chúng ta có một đề tài hoàn chỉnh, việc xác định vấn đề nghiên cứu là quan trọng và thật sự phải quan tâm hơn nhiều. Vấn đề “ Game online có ảnh hưởng như thế nào đến giới trẻ” giúp chũng ta có cái nhìn rõ hơn vấn đề nghiên cứu, đưa ra phương pháp nghiên cứu thích hợp, chuẩn bị thời gian, chi phí và kiến thức để hoàn thiện đề tài.

Câu 16: Anh/Chị hãy trình bày sự khác nhau giữa nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính.

* Nghiên cứu định lượng:

– Các biến nghiên cứu và biến tác động được xác định trước.

– Lượng hóa mối quan hệ giửa các biến.

Ví dụ: Nghiên cứu tác động của chương trình quảng cáo đến sự thay đổi doanh thu.

* Nghiên cứu định tính:

– Chỉ xác định được biến nghiên cứu còn biến tác động thì chưa biết được và sẽ biết được trong quá trình thu thập thông tin, khái quát ra để xác định các biến tác động.

– Biến tác động chưa xác định rõ, quá trình nghiên cứu đồng thời làm rõ biến tác động.

Ví dụ: Nghiên cứu sự chậm trễ của quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam, thì biến nghiên cứu ở đây là sự chậm trễ của quá trình cổ phần hóa, nhưng chúng ta chưa biết được chính xác biến tác động là gì?

* Phương pháp luận giữa định lượng và định tính sẽ khác nhau:

– Nghiên cứu định lượng bắt đầu từ lý thuyết cho ta biết mối quan hệ giữa 2 khái niệm, từ đó nhận dạng vấn đề nghiên cứu, rồi nêu lên đề tài để giải quyết vấn đề. Sau khi thu thập thông tin ta mới kiểm định xem lý thuyết có đúng không? Do đó nó sử dụng phương pháp diễn dịch.

– Ngược lại, nghiên cứu định tính lại sử dụng phương pháp quy nạp. Từ quan sát thực tế, thu thập thông tin, xử lý thông tin‎ và rút ra kết luận nhằm khái quát hóa trở lại thành mô hình lý thuyết. Việc sử dụng phương pháp quy nạp sẽ khó hơn diễn dịch. Nó không chỉ đòi hỏi nhà nghiên cứu có kinh nghiệm mà còn đòi hỏi khả năng tiếp cận các nguồn thông tin có thể thu thập được.

– Phương pháp định lượng cho phép phỏng vấn nhiều đối tượng còn nghiên cứu định tính chỉ có thể điều tra ở 1 nhóm nhỏ các đối tượng.

 

 

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *