Việt Nam có tư tưởng triết học không? Nếu có các Anh, các Chị hãy chỉ ra các minh họa?

Please follow and like us:

Việt Nam có tư tưởng triết học không? Nếu có các Anh, các Chị hãy chỉ ra các minh họa?
Triết học Việt Nam tồn tại và phát triển trên cơ sở vừa khẳng định bản sắc dân tộc của mình, vừa tiếp thu mọi giá trị tích cực của các dân tộc khác. Theo tác giả, ở Việt Nam, yêu thương không những là một tình cảm tự nhiên, mà còn là một điều kiện để tồn tại, là lẽ sống bền vững và là hạnh phúc lớn nhất của con người. Chủ nghĩa yêu nước là biểu hiện rõ rệt nhất của tính cộng đồng Việt Nam; đồng thời, là cốt lõi của mọi tư duy triết học, là tiêu chuẩn cao nhất trong đạo đức, là điều thiêng liêng nhất trong mọi tôn giáo ở Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hoá cũng như sự mở rộng quan hệ giao lưu, đối thoại giữa các nền văn minh và trào lưu triết học trên toàn thế giới, việc phấn đấu cho thế giới được sống trong hoà bình, hữu nghị, cho các dân tộc được phồn vinh và hạnh phúc là mục tiêu cao nhất, có ý nghĩa sâu sắc của triết học.
Thế giới ngày càng khẳng định tính đa dạng của mỗi nền văn minh gắn liền với nhu cầu đối thoại trên phạm vi toàn thế giới và triết học có vai trò cốt lõi trong mỗi nền văn minh. Thật là đặc biệt vui mừng khi vấn đề này lại được đề cập và trao đổi trên mảnh đất Việt Nam, nơi đã từng tiếp xúc với nhiều nền văn minh và trào l­ưu triết học trên thế giới.

Nói tới vai trò chung của triết học không có nghĩa là phủ nhận sự khác nhau giữa các nền triết học. Triết học Việt Nam tồn tại và phát triển trên cơ sở vừa khẳng định bản sắc dân tộc của mình, vừa mở rộng giao lưu để tiếp thu mọi giá trị tích cực của các dân tộc khác. Có thừa nhận sự phong phú và tôn trọng những đặc điểm riêng của mọi nền triết học mới có thể đi tới một sự thống nhất về vai trò của triết học như­ một sự đóng góp chung vào cuộc sống của nhân loại ngày nay.

Triết học không phải là một món quà đặc biệt mà Th­ượng đế đã ban riêng cho một số nước, cho một số vùng lãnh thổ để trở thành những nền văn minh khác nhau của nhân loại.

Mọi nền triết học đều ra đời trong mối tương tác giữa hoàn cảnh và con người với những nét đặc thù của thiên nhiên, kinh tế, xã hội.

Chúng tôi cho rằng, sự tiếp biến văn hóa (acculturation) là một điều tất yếu đối với sự phát triển của mọi nền văn minh. Nhưng sự tiếp biến đó chỉ thành công khi dân tộc thâu nhận những giá trị của những nền văn minh khác mà vẫn giữ vững bản lĩnh dân tộc của mình và củng cố thêm bản lĩnh đó.

Từ xa x­ưa, hoàn cảnh sinh hoạt của con người Việt Nam luôn bị đe dọa bởi những tai họa của thiên nhiên và sự xâm lược của nước ngoài. Điều kiện để tồn tại và phát triển là phải phát huy được những nhân tố tinh thần cao nhất do thực tế đòi hỏi. Trước hết là phải tăng cường sự cố kết của cả cộng đồng để cùng suy nghĩ và hành động.

Thiên tai và địch họa từ xa xư­a là sự thử thách quá lớn đối với một quốc gia quá nhỏ như Việt Nam. Thường xuyên sống trước nguy cơ bị tiêu diệt, dân tộc Việt Nam sớm nhận ra sức mạnh duy nhất có thể cứu mình là tính cộng đồng, là dựa vào nhau cùng sản xuất và chiến đấu, là chia sẻ với nhau mọi nỗi vui mừng và đau khổ. Đói rét thì nh­ường cơm sẻ áo. Trong hoạn nạn thì chị ngã em nâng. Cá nhân tách khỏi cộng đồng thì vô cùng yếu ớt, còn cộng đồng gắn kết được mọi thành viên thì tạo nên một sức mạnh vô địch.

Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây hợp lại nên hòn núi cao.

Yêu thương là một tình cảm tự nhiên của con người, là một điều răn dạy của mọi đạo đức và tôn giáo. Nhưng ở Việt Nam, yêu thương lại là một điều kiện để tồn tại, là vũ khí để chiến đấu, là lẽ sống bền vững, là hạnh phúc lớn nhất của con người.

Thương người như­ thể thương thân, câu nói hàng ngày này của mọi người Việt Nam đã từ lâu được coi như­ một đạo lý trong quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, cộng đồng với cá nhân. Tình yêu thương ấy được xây dựng và củng cố trong cộng đồng gia đình, tất yếu mở rộng thành tình yêu thương trong cộng đồng Tổ quốc rồi đến cộng đồng nhân loại. Bởi sự tồn tại của gia đình trước hết phụ thuộc vào sự tồn tại của cả nước và hòa bình, hạnh phúc của mỗi quốc gia gắn liền với hòa bình, hạnh phúc của cả nhân loại.

Nếu như­ ở Việt Nam, tính cộng đồng là biểu hiện mãnh liệt nhất trong tình cảm giữa cá nhân với Tổ quốc thì tình cảm này không tách khỏi tình cảm gia đình, mà ngư­ợc lại, nó được nảy sinh và rèn đúc từ trong gia đình. Mặt khác, tình cảm yêu nước của Việt Nam không bao giờ trở thành chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và đối lập với tình cảm quốc tế. Khi có nước ngoài đến xâm lược thì mọi gia đình đều cho con em lên đường cứu nước nhưng trong chiến đấu, mọi người đều phân biệt rõ ràng giữa bọn thống trị và nhân dân của nước ấy.

Chúng tôi cho rằng, các dân tộc trên thế giới đã hiểu rõ tình cảm này của Việt Nam đối với cộng đồng nhân loại. Hồ Chí Minh đã suốt đời giương cao ngọn cờ chiến đấu và lãnh đạo nhân dân Việt Narn đi tới thắng lợi cuối cùng lại được thế giới tôn vinh là con người của hòa bình. Mảnh đất thủ đô Hà Nội đã từ bao đời thấm máu của bao nhiêu thế hệ thanh niên trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc lại được thế giới phong tặng danh hiệu thủ đô của hòa bình. Trong kháng chiến chống quân đội Pháp, Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: Máu của người Pháp cũng là máu của con người. Chiến tranh chỉ là bất đắc dĩ. Đối xử nhân đạo với tù binh, tha chết và tiễn đư­a hàng chục vạn quân xâm lược bại trận về nước, nhanh chóng lập lại tình hữu nghị sau mỗi trận chiến tranh. Đó là đạo lý của con người Việt Nam trước cộng đồng nhân loại. Đạo lý này quán triệt cả trong triết học, tôn giáo và đạo đức.

Nếu chủ nghĩa yêu nước là biểu hiện rõ rệt nhất của tính cộng đồng Việt Nam thì nó cũng là cốt lõi của mọi tư duy triết học, là tiêu chuẩn cao nhất trong đạo đức, là điều thiêng liêng nhất trong mọi tôn giáo ở Việt Nam.

Về mặt đạo đức, vinh dự cao nhất thuộc về những người có công với Tổ quốc và đáng khinh bỉ nhất là những kẻ phản bội lại cộng đồng. Lương tâm cắn rứt chúng và d­ư luận xã hội lên án chúng.

Về mặt tôn giáo, ý thức này còn sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn và bền vững hơn nữa.

Ở Việt Nam từ xa xư­a, không có tôn giáo nào thờ trời mà chỉ có ở khắp nơi những ngôi đền thờ những người anh hùng trong chiến đấu và sản xuất, thờ những người có công với Tổ quốc và nhân dân:

Toàn quốc thờ vua Hùng, vị tổ đầu tiên của cả dân tộc.

Mỗi làng thờ những người có đóng góp lớn đối với quê hương.

Mỗi nhà thờ tổ tiên của mình.

Việc thờ cúng nói trên không chỉ là một tiêu chuẩn đạo đức mà thực sự là tôn giáo của Việt Nam. Tôn giáo này là một bộ phận bền vững trong truyền thống văn hóa của dân tộc, nền văn hóa thống nhất cả triết học, đạo đức và tôn giáo trên cùng một cơ sở. Đó là phương châm của dân tộc trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc của văn hóa Việt Nam, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Nếu như­ Việt Nam chỉ đóng cửa để bảo vệ bản sắc dân tộc và không tiếp thu những thành tựu của thế giới thì không những không tiến bộ mà thậm chí không tồn tại nữa. Mặt khác, không thể tiếp thu có hiệu quả những tinh hoa văn hóa từ nước ngoài nếu như­ Việt Nam không có tinh thần độc lập và tự chủ. Mọi nhân tố từ bên ngoài vào đều phải được chắt lọc và cải biến cho phù hợp với tình hình và nhu cầu của dân tộc.

Qua hàng ngàn năm lịch sử, sống giữa hai nền vãn minh lớn của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, nhân dân Việt Nam đã tiếp thu nhiều giá trị của hai nền văn minh ấy. Có điều cần phải nói là, những giá trị ấy phải được sàng lọc cho thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam để trở thành những giá trị của bản thân văn hóa Việt Nam.

Chúng tôi biết rằng, từ khi những người Ấn Độ đầu tiên đến Việt Nam để truyền bá Phật giáo và văn minh Ấn Độ, họ đã sống gần gụi nhân dân và giảng giải cho nhân dân nghe những tư tưởng từ bi, bác ái và khuyên răn người dân làm điều thiện, tránh điều ác. Tuy nhiên, không thể nói rằng, tình yêu thương gắn bó giữa người và người trên đất nước Việt Nam là do Phật giáo đư­a từ ngoài vào.

Tình yêu thương ấy trước hết là những phẩm chất vốn nảy sinh từ hoàn cảnh xã hội Việt Nam, từ một triết lý về cuộc sống trước những thử thách ghê gớm trải dài qua lịch sử. Không thể nghĩ một cách đơn giản rằng, Phật giáo đã đem lại cho nhân dân Việt Nam lòng từ bi, bác ái mà chỉ có thể nói rằng, lòng từ bi, bác ái của nhân dân Việt Nam được nâng cao thêm từ giáo lý của nhà Phật và nhờ đó, đã tạo nên một chủ nghĩa nhân đạo tích cực mang màu sắc Việt Nam, một nhân tố bền vững trong văn hóa Việt Nam.

Đối với Nho giáo cũng như­ thế. Nho giáo được du nhập vào Việt Nam không còn giữ nguyên trạng thái nguyên sơ của nó nữa. Nó đã được Việt Nam hóa như­ nó được Nhật Bản hóa ở Nhật Bản, Triều Tiên hóa ở Triều Tiên. Nho sĩ Việt Nam vì lợi ích bảo vệ và xây dựng Tổ quốc đã khai thác những nhân tố tích cực của Nho giáo để khẳng định những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Nho giáo được Việt Nam hóa đã đóng góp đáng kể vào việc củng cố những truyền thống tốt đẹp của dân tộc được nâng lên thành hệ tư tưởng ổn định, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, tạo nên một sức mạnh to lớn để suốt một ngàn năm giữ vững độc lập và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Đó là mặt tích cực của Nho giáo, nhưng mặt tiêu cực của nó cũng rất trầm trọng và ngày càng tỏ rõ sự bất lực trước những thách thức mới của thời đại.

Hồ Chí Minh hiểu rất rõ Nho giáo là một sức mạnh to lớn trong đời sống văn hóa của một số nước châu Á, nhưng Người cũng nói rằng: Khổng giáo chỉ thích hợp với một xã hội bình yên không thay đổi.

Xã hội bình yên không thay đổi ấy, xã hội của phương thức sản xuất châu Á của nền văn hóa phương Đông đã đứng trước những thử thách lớn chư­a từng có trong lịch sử. Đó là sự đ­ương đầu với cuộc xâm lược của văn minh phương Tây.

Nhật Bản đã sớm thức tỉnh trước nguy cơ của thời đại. Với Minh Trị Thiên Hoàng, họ đã nhanh chóng tiếp nhận nền văn hóa phương Tây với tính ư­u việt của nó trên các lĩnh vực công nghiệp, khoa học – kỹ thuật. họ đã từ đó tạo nên sự hùng cường của Nhật Bản về cả kinh tế và quân sự.

Trong khi đó thì Việt Nam cũng như­ một số nước ở Đông Á đã trở thành cực kỳ bảo thủ và lần lư­ợt sa vào số phận nô lệ của những nước thuộc địa và nửa thuộc địa.

Nhân dân Việt Nam sau thất bại đau xót của mình đã rút được bài học quý báu. Từ đó, họ đã có cách xử lý đúng đắn trong giao lư­u văn hóa về sau với các nước tư bản phương Tây, rồi với các nước xã hội chủ nghĩa và gần đây, với tất cả các nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Hồ Chí Minh qua thái độ và hành động của mình đã nêu lên một mẫu mực trong mối quan hệ giữa truyền thống văn hóa của dân tộc với các trào lưu văn minh trên thế giới.

Từ mảnh đất của Việt Nam, từ những giá trị tinh thần của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tiếp thu ư­u điểm của học thuyết Khổng Tử là sự tu d­ưỡng đạo đức cá nhân. Nhưng sự tu dư­ỡng này không còn đủ để chống lại sự thống trị của chủ nghĩa thực dân.

Hồ Chí Minh đã rời bỏ phương Đông để đi tìm hiểu những giá trị phương Tây. Vư­ợt qua một số thành kiến phương Đông đối với đạo Thiên Chúa, Người đã nêu cao ư­u điểm của tôn giáo Giêsu là lòng nhân ái cao cả. Nhưng lòng nhân ái này cũng không đủ sức để giúp nhân loại thoát khỏi những đau khổ của áp bức bóc lột.

Người gặp gỡ chủ nghĩa Mác và khẳng định ­ưu điểm của nó là phép biện chứng. Nhưng Người đã tiếp nhận chủ nghĩa Mác không phải với thái độ giáo điều mà với tinh thần sáng tạo. Ngay từ năm 1924, Hồ Chí Minh đã coi chủ nghĩa Mác là học thuyết được hình thành trên cơ sở của xã hội truyền thống phương Tây nên đòi hỏi phải bổ sung cho chủ nghĩa Mác bằng những kiến thức của phương Đông nữa.

Trở về Trung Quốc, Hồ Chí Minh thấy chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ­ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện của châu Á, nhưng Người không sao chép những chính sách và kinh nghiệm của Tôn Dật Tiên vì hoàn cảnh của Trung Quốc và Việt Nam có những điểm khác nhau.

Thành công của Hồ Chí Minh là biết kết hợp giá trị dân tộc với giá trị nhân loại để xây dựng một bảng giá trị mới phù hợp với sự phát triển của Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Trước những vấn đề đang được đặt ra và đối với giá trị phương Đông và giá trị phương Tây, nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ câu nói bất hủ của Hồ Chí Minh:

Văn hóa Việt Nam là ảnh h­ưởng của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại… Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam.

Những quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh được trình bày cách đây hơn nửa thế kỷ đang tiếp tục là thái độ ứng xử của Việt Nam trong cuộc đối thoại rộng lớn giữa các nền văn minh và trào l­ưu triết học trên toàn thế giới .

Thế giới đang có những đổi thay với một tốc độ chư­a từng có. Cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin và truyền thông đang nhanh chóng mở rộng và nâng cao sự hiểu biết của con người, ngày càng đòi hỏi sự đổi mới của tư duy triết học trước những vấn đề phức tạp đang được đặt ra trên mọi lĩnh vực của đời sống nhân loại. Toàn cầu hóa đang diễn ra với sự chênh lệch ngày càng tăng giữa giàu và nghèo, mạnh và yếu, giữa các xã hội khác nhau và trong nội bộ của mỗi xã hội. Suy thoái về đạo đức và tệ nạn xã hội đang gây nhiều lo ngại cho những người thiện ý. Thêm vào đó là những thiên tai liên tiếp phá hoại sinh mạng và tài sản. Những bệnh tật mới nảy sinh luôn luôn đe dọa cuộc sống của con người. Bệnh dịch ở động vật đang hủy hoại hàng tỉ gà, lợn, trâu, bò…

Nhân loại trong khối cộng đồng của mình vẫn chưa hành động có hiệu quả để giải quyết những vấn đề nói trên và ngăn chặn được sự xung đột gay gắt giữa nhiều quốc gia dưới hình thức sắc tộc và tôn giáo.

Trong tình hình nói trên, nhân dân Việt Nam đang tích cực phát triển đất nước của mình theo tinh thần đổi mới, vừa đem lại phồn vinh cho Tổ quốc, vừa góp phần củng cố hòa bình và hữu nghị trên toàn thế giới.

Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam là kết quả của sự đổi mới về tư duy. Việc phát huy mọi tiềm năng của dân tộc gắn liền với tinh thần làm bạn với tất cả các nước.

Với tinh thần trên, giới triết học Việt Nam cùng nhau nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề đang được đặt ra cho dân tộc và nhân loại. Phát huy truyền thống của dân tộc, giới triết học Việt Nam sẽ làm hết mình để có những sự suy nghĩ mới về dân tộc và thời đại và để cho sự thống nhất từ lâu đời giữa triết học, đạo đức và tôn giáo lại phát huy mạnh mẽ tác dụng của nó trong xã hội ngày nay. Theo đó, việc phấn đấu cho thế giới được sống trong hòa bình, hữu nghị, cho các dân tộc được phồn vinh và hạnh phúc đang là mục tiêu cao nhất của triết học và mang một ý nghĩa sâu sắc.

 

 

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *