Vai trò của hệ thống thuế trong nền kinh tế. Liên hệ thực tế Việt Nam.
1. Thuế là gì?
Thuế là một thực thể do Nhà nước đặt ra thông qua việc ban hành các quy định, văn bản pháp luật liên quan. Các văn bản quy định pháp luật không những quy định nội dung các loại thuế, mà còn xác định quyền, nghĩa vụ của các cá nhân, chủ thể liên quan, các biện pháp đảm bảo việc thực hiện thu, nộp thuế.
Pháp luật thuế là cơ chế, thể chế hoá các chính sách kinh tế – xã hội của Nhà nước theo từng giai đoạn. Do đó pháp luật thuế là nhân tố quyết định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và đời sống xã hội.
2. Vai trò của thuế
– Thứ nhất, Thuế là công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Các chính sách về thuế được đặt ra không chỉ nhằm mang lại nguồn cung cho ngân sách nhà nước, mà cao hơn còn góp phần thực hiện chức năng kiểm kê, kiểm soát, quản lý, hướng dẫn và khuyến khích phát triển sản xuất, khởi nghiệp, góp phần tích cực thúc đẩy điều chỉnh các mặt mất cân đối trong nền kinh tế thị trường như hiện nay,
– Thứ hai, Thuế giúp điều tiết nền kinh tế. Thuế tham gia điều tiết nền kinh tế gồm hai mặt: Kích thích và hạn chế. Thông qua thuế, nhà nước đã linh hoạt điều chính các chính sách thuế trong từng thời kỳ nhất định, nhằm tác động vào cung-cầu giúp điều chỉnh chu kỳ kinh tế – một đặc trưng vốn có của nền kinh tế thị trường.
– Thứ ba, Thuế giúp đảm bảo công bằng xã hội. Thông qua thuế, nhà nước sẽ điều tiết phần chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo, bằng việc việc trợ cấp hoặc cung cấp hàng hoá công cộng. Từ nguồn Thuế TNCN, thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN),… Nhà nước thực hiện vai trò điều chỉnh vĩ mô trong lĩnh vực tiền lương và thu nhập, kìm hãm, hạn chế sự phân hoá giàu nghèo và tiến tới công bằng xã hội. Một khía cạnh nữa của chính sách thuế là nhằm điều chỉnh thu nhập, đó là các khoản thuế đánh vào tiêu dùng như: Thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với rượu bia, thuốc lá…), thuế Giá trị gia tăng (Thuế GTGT).
Từ những vai trò của thuế ở trên, chúng ta có thể thấy, khi sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh thu nhập, mức thuế nên xây dựng hợp lý, tránh tình trạng điều tiết, can thiệp quá lớn vào cung-cầu làm giảm động lực thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp và giảm khả năng tăng trưởng kinh tế của đất nước.
3. Liên hệ thực tế tại Việt Nam
– Trong quá trình cải cách hệ thống thuế của nước ta nhà nước đã chú trọng xác lập đúng đắn mối quan hệ giữa các loại thuế, xác định hợp lý các đối tượng chịu thuế, thuế suất và chế độ miễn giảm cho nên hệ thống thuế hiện hành đã phát huy tác dụng trong việc khuyến khích đầu tư, phát triển những ngành sản xuất kinh doanh có lợi cho nền kinh tế, hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng, thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bảo vệ và phát triển sản xuất hàng hóa trong nước và tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước xâm nhập, cạnh tranh được với thị trường thế giới.
– Với các sắc thuế như: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập… theo hướng thuế đánh cao vào những hàng hóa dịch vụ cao cấp, người có thu nhập cao nhằm điều tiết bớt thu nhập của các doanh nghiệp, cá nhân có thu nhập cao. Đồng thời thuế đánh thấp vào những hàng hóa dịch vụ cần thiết cho đại bộ phận dân chúng. (Ví dụ: thuế tiêu thụ đặc biệt thuế suất 75% đối với rượu từ 40 độ trở lên, thuế suất 15% đối với rượu thuốc. Bia chai, bia hộp, bia tươi thuế suất 75% trong khi bia hơi thuế suất là 30% …). Như vậy, việc qui định về đối tượng chịu thuế, thuế suất từng ngành hàng như trên bên ngoài như là một sự cưỡng chế nhưng bên trong nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội nhất định.