Triết học – hạt nhân lý luận của thế giới quan

Please follow and like us:

Triết học – hạt nhân lý luận của thế giới quan
*Thế giới quan
Khái niệm thế giới quan hiểu một cách ngắn gọn là hệ thống quan điểm của con người về thế giới. Có thể định nghĩa: Thế giới quan là khái niệm triết học chỉ hệ thống các tri thức, quan điểm, tình cảm, niềm tin, lý tưởng xác định về thế giới và về vị trí của con người (bao hàm cả cá nhân, xã hội và nhân loại) trong thế giới đó.
Những thành phần chủ yếu của thế giới quan là tri thức, niềm tin và lý tưởng. Trong đó tri thức là cơ sở trực tiếp hình thành thế giới quan, nhưng tri thức chỉ gia nhập thế giới quan khi đã được kiểm nghiệm ít nhiều trong thực tiễn và trở thành niềm tin. Lý tưởng là trình độ phát triển cao nhất của thế giới quan. Với tính cách là hệ quan điểm chỉ dẫn tư duy và hành động, thế giới quan là phương thức để con người chiếm lĩnh hiện thực, thiếu thế giới quan, con người không có phương hướng hành động.
Trong lịch sử phát triển của tư duy, thế giới quan thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau, nên cũng được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, thế giới quan tôn giáo, thế giới quan khoa học và thế giới quan triết học. Ngoài ba hình thức chủ yếu này, còn có thể có thế giới quan huyền thoại (mà một trong những hình thức thể hiện tiêu biểu của nó là thần thoại Hy Lạp); theo những căn cứ phân chia khác, thế giới quan còn được phân loại theo các thời đại, các dân tộc, các tộc người, hoặc thế giới quan kinh nghiệm, thế giới quan thông thường…Thế giới quan chung nhất, phổ biến nhất, được sử dụng (một cách ý thức hoặc không ý thức) trong mọi ngành khoa học và trong toàn bộ đời sống xã hội là thế giới quan triết học.
*Hạt nhân lý luận của thế giới quan
Nói triết học là hạt nhân của thế giới quan, bởi thứ nhất, bản thân triết học chính là thế giới quan. Thứ hai, trong các thế giới quan khác như thế giới quan của các khoa học cụ thể, thế giới quan của các dân tộc, hay các thời đại… triết học bao giờ cũng là thành phần quan trọng, đóng vai trò là nhân tố cốt lõi. Thứ ba, với các loại thế giới quan tôn giáo, thế giới quan kinh nghiệm hay thế giới quan thông thường…, triết học bao giờ cũng có ảnh hưởng và chi phối, dù có thể không tự giác. Thứ tư, thế giới quan triết học như thế nào sẽ quy định các thế giới quan và các quan niệm khác như thế.
Thế giới quan duy vật biện chứng được coi là đỉnh cao của các loại thế giới quan đã từng có trong lịch sử. Vì thế giới quan này đòi hỏi thế giới phải được xem xét dựa trên nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển. Từ đây, thế giới và con người được nhận thức theo quan điểm toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Thế giới quan duy vật biện chứng bao gồm tri thức, niềm tin khoa học và lý tưởng cách mạng.
Thế giới quan đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của con người và xã hội loài người. Bởi lẽ, thứ nhất, những vấn đề được triết học đặt ra và tìm lời giải đáp trước hết là những vấn đề thuộc thế giới quan. Thứ hai, thế giới quan đúng đắn là tiền đề quan trọng để xác lập phương thức tư duy hợp lý và nhân sinh quan tích cực trong khám phá và chinh phục thế giới. Trình độ phát triển của thế giới quan là tiêu chí quan trọng đánh giá sự trưởng thành của mỗi cá nhân cũng như của mỗi cộng đồng xã hội nhất định.
Như vậy, triết học với tính cách là hạt nhân lý luận, trên thực tế, chi phối mọi thế giới quan, dù người ta có chú ý và thừa nhận điều đó hay không.

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *