Thay vì nâng cao chất lượng để đáp ứng chuẩn đầu ra môn tiếng Anh được quy định khắt khe bởi Bộ GDĐT, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tạo dựng các kỳ thi cấp chứng chỉ đầy dối trá.
“Không đóng tiền, hiển nhiên trượt”
“Tàn nhẫn” ở chỗ, sinh viên nào không chịu đóng khoản phí “chống trượt” 1,9 triệu đồng/người thì sẽ “auto trượt” – như cách nói của sinh viên, hoặc sẽ “bị chấm theo cách khác” – như thừa nhận của chính các giảng viên.
Một ngày cuối tháng 9.2018, dù là Chủ nhật, nhưng hành lang nhà A9 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ sáng sớm đã chật kín người.
Gần 700 sinh viên đang tập trung tại đây chủ yếu học năm cuối, lỉnh kỉnh giấy bút, chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng bậc nhất quãng thời sinh viên – kỳ thi cấp chứng chỉ đầu ra môn tiếng Anh.
Theo quy định của Bộ GDĐT, sinh viên muốn ra trường phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 tương đương 450 điểm TOEIC. Chưa bàn đến việc trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý để tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ hay không, nhưng trên thực tế, với đại đa số sinh viên trường này, họ buộc phải vượt qua kỳ thi nếu muốn được xét tốt nghiệp.
Yêu cầu khắt khe là vậy nhưng có điều lạ, tỉ lệ thi trượt tại các đợt thi cấp chứng chỉ lại thấp ở mức đáng kinh ngạc.
Cụ thể ở buổi thi sáng đợt thi cuối tháng 9.2018, tra cứu kết quả ngẫu nhiên của 50 sinh viên cho thấy, tất cả đều đạt với điểm số cao. Các sinh viên hồ hởi giải thích, là bởi họ đã đóng tiền gói “chống trượt” trị giá 1,9 triệu đồng, kèm phí thi 280.000 đồng, tổng cộng 2.180.000 đồng.
Ở chiều ngược lại, buổi chiều cùng ngày cũng có lịch thi cấp chứng chỉ tiếng Anh cho khoảng 100 sinh viên thì điểm số lại rất bết bát. Họ là những sinh viên không tham gia khóa học “chống trượt”.
Nườm nượp cảnh đóng tiền “chống trượt” tại khoa Ngoại ngữ.
Có mặt tại các lớp học của khóa ôn cấp tốc này, vốn được tổ chức trung bình mỗi tháng 1 lần cũng tại nhà A9 trường Đại học Công nghiệp, nhóm PV Báo Lao Động đã mắt thấy tai nghe sự gian dối.
Theo đó, thay vì ôn luyện, các giảng viên đến từ khoa Ngoại ngữ sẽ tiến hành thu tiền rồi dạy sinh viên học thuộc lòng theo kiểu i-tờ một bộ đề thi cho sẵn. Vấn đề ở chỗ, những sinh viên không tham gia khóa học sẽ không có đặc ân này. Họ phải thi riêng vào buổi chiều với đề thi được nhận xét rất khó và… gần như không thể đậu.
Trao đổi với PV tại buổi thi không “chống trượt” diễn ra chiều 11.11 với khoảng 50 người tham dự, một sinh viên nhận xét: “Không đóng tiền không bao giờ qua được. Giỏi cũng không qua được. Chắc chắn luôn”. Một sinh viên khác nói: “Đề thi khó hơn nhiều. 2,1 triệu nó khác với 280 nghìn mà. Hầu hết cả lớp đăng ký gói “chống trượt”, mỗi mình thì không. Nếu thi lần này không qua nữa lần sau sẽ đăng ký”…
Bên trong một phòng thi “chống trượt” đầy dối trá.
Trái ngược lại, tại buổi sáng cùng ngày, khoảng 300 sinh viên đã đóng tiền “chống trượt” sắc mặt tự tin. Một sinh viên nữ cho biết: “Không đóng tiền thì auto (tự động) trượt”. Còn một sinh viên nam trông khắc khổ, tâm sự: “Thi kiểu không đóng tiền mãi không qua nên phải đóng tiền thi cho qua. Bằng này chỉ là bằng nội bộ ở trường, không có giá trị khi ra bên ngoài”.
Sau khi thi xong, gặp lại PV Báo Lao Động tại hàng lang nhà A9, vẫn sinh viên nam này vui vẻ: “Giống hết, giống hết trong cái đề hôm cuối đi học cô cho đấy. Giống đến 70 – 80%. Đi thi này là thi diễn, sinh viên diễn, thầy cô diễn, xem ai diễn giỏi hơn mà thôi”.
Đi thi để… diễn
Theo tìm hiểu của nhóm PV, có 2 cách để các sinh viên Đại học Công nghiệp tiếp cận với gói thi “chống trượt”.
Một là cứ hàng tháng, tại nhóm kín trên facebook có tên “Nhóm thi Tiếng Anh đầu ra HAUI”, quản trị nhóm sẽ phát thông báo mời gọi kèm khuyến mại là “nộp tiền sớm được giảm 100.000 đồng”. Hai là các sinh viên có thể tự liên hệ với khoa Ngoại ngữ để ghi danh. Trong trường hợp trượt (rất hiếm), sinh viên được “bảo hành” đến đợt thi sau.
“Chấm bừa mà. Kể cả không nói, không làm được gì, mặc định 460 điểm TOEIC. Thằng cháu tôi nó khoanh bừa từ đầu đến cuối, xong nó ngồi chơi với ngủ. Lên nói nó bảo “Thưa cô em không biết”, về vẫn 460” – một sinh viên khẳng định.
Không chỉ vậy, trong một lần chứng kiến cảnh các sinh viên chen chúc nộp tiền tại phòng 508 nhà A9, PV đặt câu hỏi với người thu tiền giảng viên Nguyễn Thị Lệ Thủy thì được trả lời: “Em cứ thi đi. Em thấy bao nhiêu người thi đấy có ai trượt không?”.
SV này cho biết đề thi giống 80% những gì giảng viên cho học thuộc trước đó.
Sau khi đóng tiền, về lý thuyết, các sinh viên sẽ được ôn luyện 6 buổi được tổ chức thành nhiều lớp tại tầng 5 nhà A9. Tuy nhiên trên thực tế, phần đa các sinh viên chỉ có mặt tại buổi đầu – để đóng tiền và buổi cuối – để lấy tài liệu và nghe dặn dò.
“Không cần đi học đầy đủ, chỉ cần đi buổi cuối thôi. Quan trọng là buổi cuối vì có đề. Chả đi cũng được. Cho qua hết. Làm gì có ai trượt” – sinh viên Nguyễn T. cho biết.
Thực vậy, trong khi phần lớn các buổi chỉ là “học vẹt” và “tập tô” nhàm chán, thì buổi học cuối diễn ra rất vui vẻ.
Giảng viên tên Linh huơ tay nói trước lớp: “Thế nên tôi cho mọi người topic là có lý do. Có cái đó của tôi thì tôi biết là sinh viên mình tôi chấm kiểu khác, còn những thằng nào không viết topic đấy tôi chấm kiểu khác. Hiểu chưa? Hiểu quan điểm của nhau đúng không ạ? Thế cho nên những sinh viên mình thì mình ưu tiên hơn, còn những thằng nào không ấy thì kệ”.
“Các bạn làm bài viết là các bạn yên tâm được 7 – 8 điểm rồi nếu như viết y xì những gì tôi bảo”.
Thậm chí, nữ giảng viên trẻ còn cẩn thận căn dặn: “Hôm nay chúng ta quen nhau nhưng Chủ nhật (hôm thi – PV) thì không. Các bạn có thể chào tôi nhưng chúng ta không quen nhau. Đừng rú ầm ầm, a đây rồi…”.
Theo: Báo lao động