Phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?

Please follow and like us:

Phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?

**Con đường quá độ lên CNXH ở VN

Quan điểm của các nhà kinh điển Mác-Lênin về thực chất, loại hình và đặc điểm của thời kì quá độ:

– Trong “Phê phán Cương lĩnh Gotha”, Mác viết: giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản là một thời kỳ chuyển biến từ chế độ nọ sang chế độ kia. Và thích ứng với thời kỳ đó là một thời kỳ quá độ về chính trị, trong đó chức năng của nhà nước đóng vai trò quan trọng.

– Nếu Mác mới chỉ ra con đường quá độ trực tiếp từ nước tư bản phát triển ở trình độ cao lên CNXH với tính chất là sự chuyển biến cách mạng gay go và quyết liệt, thì Lênin đã chỉ ra con đường thứ hai – quá độ gián tiếp lên CNXH với hai hình thức:

1. Từ nước tư bản phát triển trung bình đi lên CNXH.

2. Từ nước tiền tư bản hoặc kém phát triển đi lên CNXH.

Tính chất của nó, theo Lênin dù ở hình thức nào cũng đều là “cơn đau đẻ kéo dài”.

Quan niệm của Hồ Chí Minh:

Trên cơ sở vận dụng lý luận về cách mạng không ngừng, về thời kì quá độ lên CNXH của chủ nghĩa Mác-Lênin và xuất phát từ đặc điểm tình hình thực tế VN, HCM đã khẳng định Con đường cách mạng Việt Nam là tiến hành giải phóng dân tộc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến dân lên CNXH.Như vậy, quan niệm của HCM về thời kì quá độ lên CNXH ở VN là quan niệm về một hình thái quá độ gián tiếp cụ thể-quá độ từ một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu sau khi giành được độc lập dân tộc đi lên CNXH. Chính ở nội dung cụ thể này, HCM đã cụ thể và làm phong phú thêm lý luận Mác-Lênin về thời kì quá độ lên CNXH.

Về thời kỳ quá độ lên CNXH, Người chỉ rõ: Việt Nam quá độ từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa và phong kiến lên CNXH không kinh qua phát triển TBCN. Tính chất của nó là cuộc đấu tranh một mất, một còn giữa CNXH và CNTB. Đặc điểm này sẽ chi phối, quy định nội dung con đường, hình thức, bước đi và cách làm của CNXH ở Việt Nam.

Nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam

– Theo Hồ Chí Minh, thực chất của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là cải biến nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu thành nền sản xuất tiên tiến hiện đại. Thực chất của quá trình cải tạo và phát triển nền kinh tế quốc dân cũng là cuộc đấu tranh giai cấp gay go, phức tạp trong điều kiện mới, khi mà nhân dân ta hoàn thành cơ bản cách mạng dân tộc dân chủ, so sánh lực lượng trong nước và quốc tế đã có những biến đổi. Điều này đòi hỏi phải áp dụng toàn diện các hình thức đấu tranh cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm chống lại các thế lực đi ngược lại con đường xã hội chủ nghĩa.

– Theo HCM, do những đặc điểm và tính chất quy định, quá độ lên CNXH ở VN là một quá trình dần dần, khó khăn, phức tạp và lâu dài. Nhiệm vụ lịch sử của thời kì quá độ lên CNXH ở VN bao gồm 2 nội dung lớn:

+ “Phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH”, biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành nước có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hoá và khoa học tiên tiến.

+ Cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, kết hợp cải tạo và xây dựng, trong đó lấy xây dựng làm trọng tâm, làm nội dung cốt yếu, chủ chốt, lâu dài.

– Về tính chất tuần tự, dần dần của thời kì quá độ lên CNXH được Người lý giải:

+ Thứ 1, đây là cuộc cách mạng làm đảo lộn mọi mặt của đời sống xã hội, cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cả cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Nó đặt ra và đòi hỏi đồng thời giải quyết hàng loạt mâu thuẫn khác nhau.Như trong di chúc, HCM đã coi sự nghiệp xây dựng CNXH là một cuộc chiến đấu khổng lồ của toàn Đảng, toàn dân VN.

+Thứ 2 trong sự nghiệp xây dựng CNXH, Đảng, Nhà nước và ND ta chưa có kinh nghiệm, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Đây là công việc hết sức mới mẻ đối với Đảng ta, nên phải vừa làm, vừa học và có thể có vấp váp và thiếu sót. Xây dựng xã hội mới bao giờ cũng khó khăn, phức tạp hơn đánh đổ xã hội cũ đã lỗi thời.

+ Thứ 3, luôn bị các thế lực thù địch trong và ngoài nước tìm mọi cách chống phá.

Phải thận trọng, không được nóng vội, chủ quan, đốt cháy giai đoạn, đòi hỏi một năng lực lãnh đạo mang tính khoa học và phải có nghệ thuật khôn khéo cho thật sát với tình hình thực tế. “Ta xây dựng CNXH từ hai bàn tay trắng đi lên thì khó khăn còn nhiều và lâu dài”; “Phải làm dần dần”, “không thể một sớm một chiều”, ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại.

Người chỉ đạo bước đi của thời kỳ quá độ ở Việt Nam là phải qua nhiều bước, “bước ngắn, bước dài tuỳ theo hoàn cảnh”, “chớ ham làm mau, ham rầm rộ,… Đi bước nào vững chắc bước ấy, cứ tiến dần dần”, đi bước trước phải tính tới bước sau, đi bước sau phải hoàn thiện bước trước. Không được nóng vội, đốt cháy giai đoạn.

Thời kỳ đầu, Hồ Chí Minh cũng nói đến độ dài của thời kỳ quá độ là phải trải qua vài ba kế hoạch dài hạn, nhưng về sau Người chỉ bàn về chia nhỏ thời kỳ quá độ thành nhiều bước đi, mỗi bước đi phải đặt ra những trọng tâm trọng điểm để tập trung hoàn thành và phụ thuộc bởi thành tựu CNH, HĐH của mỗi bước đi.

Công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta là một sự nghiệp cách mạng mang tính toàn diện. HCM đã xác định rõ nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực.

– Trong lĩnh vực chính trị, nội dung quan trọng nhất là phải phát huy và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng phải luôn tự đổi mới và chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, có hình thức tổ chức phù hợp để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới. Bước và thời kì quá độ lên CNXH, Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền. Mối quan tâm lớn nhất của Người về Đảng cầm quyền là làm sao cho Đảng ko trở thành Đảng quan liêu, xa dân, thoái hóa, biến chất, làm mất lòng tin ở dân, có thể dẫn đến nguy cơ sai lầm về đường lối, cắt đứt mối quan hệ máy thịt với nhân dân và để cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở trên nhiều lĩnh vực.

– Củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, nòng cốt là liên minh công nhân, nông dân và trí thức, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; củng cố và tăng cường sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như từng thành tố của nó.

– Trong lĩnh vực kinh tế, Hồ Chí Minh đề cập đến các mặt: LLSX, QHSX, cơ chế quản lý kinh tế. Người nhấn mạnh đến việc tăng năng suất lao động trên cơ sở tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa; chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, cơ cấu ngành và cơ cấu các thành phần kinh tế, cơ cấu kinh tế vùng, lãnh thổ.

Người quan niệm hết sức độc đáo về cơ cấu kinh tế nông-công nghiệp, lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, củng cố hệ thống thương nghiệp làm cầu nối tốt nhất giữa các ngành sản xuất xã hội, thõa mãn nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Đối với kinh tế vùng, lãnh thổ, HCM lưu ý phải phát triển đồng đều giữa kinh tế đô thị và kinh tế nông thôn. Người đặc biệt chú trọng chỉ đạo phát triển kinh tế vùng núi, hải đảo, vừa tạo điều kiện không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng cho đất nước.

Người rất coi trọng quan hệ phân phối và quản lý kinh tế. Quản lý kinh tế phải dựa trên cơ sở hạch toán, đem lại hiệu quả cao, sử dụng tốt các đòn bẩy trong phát triển sản xuất. Người chủ trương và chỉ rõ các điều kiện thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động:làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, ko làm ko hưởng.

Hồ Chí Minh không chỉ là người đầu tiên chủ trương kinh tế nhiều thành phần suốt thời kỳ quá độ, mà còn là người đầu tiên đề cập đến chế độ khoán trong sản xuất..

– Trong lĩnh vực văn hoá – xã hội, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng con người mới; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và sử dụng nhân tài, khẳng định vai trò to lớn của văn hóa trong đời sống xã hội.

** Biện pháp

HCM đã đề ra 2 nguyên tắc có tính chất phương pháp luận:

-Một là, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một hiện tượng phổ biến mang tính quốc tế, cần quán triệt các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng chế độ mới, có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước anh em nhưng không sao chép, máy móc, giáo điều. Người cho rằng, Việt Nam có thể làm khác với Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác vì Việt Nam có điều kiện cụ thể khác

“Muốn đỡ bớt mò mẫm, đỡ phạm sai lầm thì phải học kinh nghiệm của các nước anh em” nhưng “áp dụng kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo”, “ta không thể giống Liên Xô vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử khác…”.

-Hai là, xác định bước đi và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ yếu xuất phát từ điều kiện thực tế, đặc điểm dân tộc, nhu cầu và khả năng thực tế của nhân dân.

Trong khi nhấn mạnh hai nguyên tắc trên, Người lưu ý vừa chống xa rời nguyên lý của CNMLN, quá tuyệt đối hóa cái riêng, đồng thời phải chống chủ nghĩa máy móc, giáo điều khi áp dụng các nguyên lý của CNMLN vào Việt Nam.

Quán triệt 2 nguyên tắc phương pháp luận trên, HCM xác định phương châm thực hiện bước đi trong xây dựng CNXH: dần dần, thận trọng, từng bước một, từ thấp đến cao, ko chủ quan nôn nóng và việc xác định các bước đi phải luôn luôn căn cứ vào các điều kiện khách quan quy định.HCM nhận thức về phương châm “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” không có nghĩa là làm bừa., làm ẩu, đốt cháy giai đoạn, mà phải vững chắc từng bước phù hợp với điều kiện thực tế.

– Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò của CNH, HĐH XHCN, coi đó là con đường phải đi của chúng ta, là nhiệm vụ trọng tâm của thời kì quá độ lên CNXH.Theo Người, CNH XHCN chỉ có thể thực hiện thắng lợi trên cơ sở xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện, vững chắc, một hệ thống tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ đa dạng nhằm giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm cho nhân dân, các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho xã hội.

– Xây dựng chủ nghĩa xã hội là “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm”. Như vậy, chủ nghĩa xã hội không đồng nhất với bình quân, mà từng bước tiến lên cuộc sống sung túc, dồi dào.

– Người đã sử dụng một số cách làm cụ thể sau:

+ Kết hợp cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên tất cả các lĩnh vực, mà xây dựng là chủ chốt và lâu dài.

+ Kết hợp xây dựng với bảo vệ, tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau trong phạm vi một quốc gia.

+ Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có kế hoạch, biện pháp và quyết tâm để thực hiện thắng lợi kế hoạch, muốn kế hoạch thực hiện được tốt thì “chỉ tiêu một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi.”

+ CNXH là do nhân dân tự xây dựng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì vậy phải “đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân”, Chính phủ chỉ giúp đỡ kế hoạch chứ không thể làm thay dân. Phải phát huy hết tiềm năng, nguồn lực có trong dân để đem lại lợi ích cho dân.

Xem thêm: Các câu hỏi tư tưởng Hồ Chí Minh

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *