Những thời kỳ trong sự hình thành và phát triển của Triết học Mác

Please follow and like us:

Những thời kỳ trong sự hình thành và phát triển của Triết học Mác
* Thời kỳ hình thành tư tưởng triết học với bước quá độ từ chủ nghĩa duy tâm và dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản (1841 – 1844)
Thời kỳ này, C.Mác tích cực tham gia các cuộc tranh luận, nhất là ở Câu lạc bộ tiến sĩ. Ở đây người ta tranh luận về các vấn đề chính trị của thời đại, rèn vũ khí tư tưởng cho cuộc cách mạng tư sản đang tới gần. Lập trường dân chủ tư sản trong C.Mác ngày càng rõ rệt. Triết học Hegel với tinh thần biện chứng cách mạng của nó được Mác xem là chân lý, nhưng lại là chủ nghĩa duy tâm, vì thế đã nảy sinh mâu thuẫn giữa hạt nhân lí luận duy tâm với tinh thần dân chủ cách mạng và vô thần trong thế giới quan của tiến sĩ C.Mác. Và mâu thuẫn này đã từng bước được giải quyết trong quá trình kết hợp hoạt động lí luận với thực tiễn đấu tranh cách mạng của C.Mác.
Trong hoàn cảnh ấy, C.Mác cùng một số người thuộc phái Hegel trẻ đã chuyển sang hoạt động chính trị, tham gia vào cuộc đấu tranh trực tiếp chống chủ nghĩa chuyên chế Phổ, giành quyền tự do dân chủ. Bài báo Nhận xét bản chỉ thị mới nhất về chế độ kiểm duyệt của Phổ được C.Mác viết vào đầu 1842 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cũng như sự chuyển biến tư tưởng của ông.
Thời kỳ này, thế giới quan triết học của ông, nhìn chung, vẫn đứng trên lập trường duy tâm, nhưng chính thông qua cuộc đấu tranh chống chính quyền nhà nước đương thời, C.Mác cũng đã nhận ra rằng, các quan hệ khách quan quyết định hoạt động của nhà nước là những lợi ích, và nhà nước Phổ chỉ là “Cơ quan đại diện đẳng cấp của những lợi ích tư nhân”.
Như vậy, qua thực tiễn đã làm nảy nở khuynh hướng duy vật ở Mác. Sự nghi ngờ của Mác về tính “tuyệt đối đúng” của học thuyết Hegel về nhà nước, trên thực tế, đã trở thành bước đột phá theo hướng duy vật trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa tinh thần dân chủ – cách mạng sâu sắc với hạt nhân lí luận là triết học duy tâm tư biện trong thế giới quan của ông. Sau khi báo Sông Ranh bị cấm (1/4/1843), Mác đặt ra cho mình nhiệm vụ duyệt lại một cách có phê phán quan niệm của Hegel về xã hội và nhà nước, với mục đích tìm ra những động lực thực sự để tiến hành biến đổi thế giới bằng thực tiễn cách mạng. Trong thời gian ở Croixơmắc (nơi Mác kết hôn và ở cùng với Gienny từ tháng 5 đến tháng 10/1843), C.Mác đã tiến hành nghiên cứu có hệ thống triết học pháp quyền của Hegel, đồng thời với nghiên cứu lịch sử một cách cơ bản. Trên cơ sở đó, Mác viết tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel. Trong khi phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hegel, Mác đã nồng nhiệt tiếp nhận quan niệm duy vật của triết học Feuerbach. Song, Mác cũng sớm nhận thấy những điểm yếu trong triết học của Feuerbach, nhất là việc Feuerbach lảng tránh những vấn đề chính trị nóng hổi. Sự phê phán sâu rộng triết học của Hegel, việc khái quát những kinh nghiệm lịch sử phong phú cùng với ảnh hưởng to lớn của quan điểm duy vật và nhân văn trong triết học Feuerbach đã tăng thêm xu hướng duy vật trong thế giới quan của Mác.
Theo C.Mác, gắn bó với cuộc đấu tranh cách mạng, lí luận tiên phong có ý nghĩa cách mạng to lớn và trở thành một sức mạnh vật chất; rằng triết học đã tìm thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, đồng thời giai cấp vô sản cũng tìm thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình. Tư tưởng về vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản là điểm xuất phát của chủ nghĩa xã hội khoa học. Như vậy, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng triết học duy vật biện chứng và triết học duy vật lịch sử cũng đồng thời là quá trình hình thành chủ nghĩa xã hội khoa học.
Cũng trong thời gian ấy, thế giới quan cách mạng của Ph.Ăngghen đã hình thành một cách độc lập với Mác. Ph.Ăngghen sinh ngày 28/11/1820, trong một gia đình chủ xưởng sợi ở Bácmen thuộc tỉnh Ranh. Khi còn là học sinh trung học, Ph.Ăngghen đã căm ghét sự chuyên quyền và độc đoán của bọn quan lại. Ph.Ăngghen nghiên cứu triết học rất sớm, ngay từ khi còn làm ở văn phòng của cha mình và sau đó trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự. Ông giao thiệp rộng với nhóm Hegel trẻ và tháng 3/1842 đã cho xuất bản cuốn Sêlinh và việc chúa truyền, trong đó chỉ trích nghiêm khắc những quan niệm thần bí, phản động của Joseph Schelling (Sêlinh). Tuy thế, chỉ thời gian gần hai năm sống ở Manchester (Anh) từ mùa thu năm 1842 (sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự), với việc tập trung nghiên cứu đời sống kinh tế và sự phát triển chính trị của nước Anh, nhất là việc trực tiếp tham gia vào phong trào công nhân (phong trào Hiến chương) mới dẫn đến bước chuyển căn bản trong thế giới quan của ông sang chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản.
Tháng 8/1844, Ph.Ăngghen rời Manchester về Đức, rồi qua Paris và gặp Mác ở đó. Sự nhất trí về tư tưởng đã dẫn đến tình bạn vĩ đại của Mác và Ph.Ăngghen, gắn liền tên tuổi của hai ông với sự ra đời và phát triển một thế giới quan mới mang tên C.Mác – thế giới quan cách mạng của giai cấp vô sản. Mặc dù C.Mác và Ăngghen hoạt động chính trị – xã hội và hoạt động khoa học trong những điều kiện khác nhau, nhưng những kinh nghiệm thực tiễn và kết luận rút ra từ nghiên cứu khoa học của hai ông là thống nhất, đều gặp nhau ở phát hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, từ đó hình thành quan điểm duy vật biện chứng và tư tưởng cộng sản chủ nghĩa.
* Thời kỳ đề xuất nguyên lý triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử
Đây là thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen, sau khi đã tự giải phóng mình khỏi hệ thống triết học cũ, bắt tay vào xây dựng những nguyên lý nền tảng cho một triết học mới. C.Mác viết Bản thảo kinh tế – triết học 1844 – phê phán triết học duy tâm của Heghen, phê phán khoa kinh tế chính trị cổ điển Anh, tìm nguyên nhân tha hoá con người ở sở hữu tư nhân.
Tác phẩm Gia đình thần thánh là công trình của Mác và Ph.Ăngghen, được xuất bản tháng 2/1845. Tác phẩm này đã chứa đựng “quan niệm hầu như đã hoàn thành của Mác về vai trò cách mạng của giai cấp vô sản”, và cho thấy “Mác đã tiến gần như thế nào đến tư tưởng cơ bản của toàn bộ “hệ thống” của ông…. tức là tư tưởng về những quan hệ xã hội của sản xuất”.
Mùa xuân 1845, Luận cương về Feuerbach ra đời. Tư tưởng xuyên suốt của luận cương là vai trò quyết định của thực tiễn đối với đời sống xã hội và tư tưởng về sứ mệnh “cải tạo thế giới” của triết học Mác. Trên cơ sở quan điểm thực tiễn đúng đắn, Mác đã phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy vật trước kia và bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa duy tâm, vận dụng quan điểm duy vật biện chứng để chỉ ra mặt xã hội của bản chất con người, với luận điểm “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”.
Cuối năm 1845 – đầu năm 1846, C.Mác và Ph.Ăngghen viết chung tác phẩm Hệ tư tưởng Đức- phê phán các hệ tư tưởng Đức lúc bấy giờ, trình bày quan điểm duy vật lịch sử một cách hệ thống – xem xét lịch sử xã hội xuất phát từ con người hiện thực
Năm 1847, C.Mác viết tác phẩm Sự khốn cùng của triết học, tiếp tục đề xuất các nguyên lý triết học, chủ nghĩa cộng sản khoa học, như chính Mác sau này đã nói, “Chứa đựng những mầm mống của học thuyết được trình bày trong bộ Tư bản sau hai mươi năm trời lao động”.
Năm 1848, C.Mác cùng với Ph.Ăngghen viết tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Đây là văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa Mác, trong đó cơ sở triết học của chủ nghĩa Mác được trình bày một cách thiên tài, thống nhất hữu cơ với các quan điểm kinh tế và các quan điểm chính trị – xã hội, đánh dấu sự hình thành chủ nghĩa Mác trên tất cả các bộ phận cấu thành (triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học).
*Thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen bổ sung và phát triển toàn diện lí luận triết học (1848 – 1895)
Học thuyết Mác tiếp tục được bổ sung và phát triển trong sự gắn bó mật thiết hơn nữa với thực tiễn cách mạng của giai cấp công nhân mà C.Mác và Ph.Ăngghen vừa là những đại biểu tư tưởng vừa là lãnh tụ thiên tài. Bằng hoạt động lí luận của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa phong trào công nhân từ tự phát thành phong trào tự giác và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Và chính trong quá trình đó, học thuyết của các ông không ngừng được phát triển một cách hoàn bị.
Trong thời kỳ này, Mác viết hàng loạt tác phẩm quan trọng. Hai tác phẩm: Đấu tranh giai cấp ở Pháp và Ngày 18 tháng Sương mù của Lui Bônapáctơ đã tổng kết cuộc cách mạng Pháp (1848 – 1849). Các năm sau, cùng với những hoạt động tích cực để thành lập Quốc tế I, Mác đã tập trung viết tác phẩm khoa học chủ yếu của mình là bộ Tư bản (tập 1 xuất bản 9/1867), rồi viết Góp phần phê phán kinh tế chính trị học (1859). Bộ Tư bản không chỉ là công trình đồ sộ của Mác về kinh tế chính trị học mà còn là bổ sung, phát triển của triết học Mác nói riêng, của học thuyết Mác nói chung. Lênin khẳng định, trong Tư bản “Mác không để lại cho chúng ta “Lôgíc học” (với chữ L viết hoa), nhưng đã để lại cho chúng ta Lôgíc của Tư bản”.
Năm 1871, Mác viết Nội chiến ở Pháp, phân tích sâu sắc kinh nghiệm của Công xã Pari. Năm 1875, Mác cho ra đời một tác phẩm quan trọng về con đường và mô hình của xã hội tương lai, xã hội cộng sản chủ nghĩa – tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gô ta. Trong khi đó, Ph.Ăngghen đã phát triển triết học Mác thông qua cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù đủ loại của chủ nghĩa Mác và bằng việc khái quát những thành tựu của khoa học. Biện chứng của tự nhiên và Chống Đuyrinh lần lượt ra đời trong thời kỳ này. Sau đó Ph.Ăngghen viết tiếp các tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước (1884) và Lútvích Phoi-ơ-bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1886)… Với những tác phẩm trên, Ph.Ăngghen đã trình bày học thuyết Mác nói chung, triết học Mác nói riêng dưới dạng một hệ thống lí luận tương đối độc lập và hoàn chỉnh. Sau khi Mác qua đời (14/03/1883), Ph.Ăngghen đã hoàn chỉnh và xuất bản hai quyển còn lại trong bộ Tư bản của Mác (trọn bộ ba quyển). Những ý kiến bổ sung, giải thích của Ph.Ăngghen đối với một số luận điểm của các ông trước đây cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển triết học Mác.

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *