Mối quan hệ giữa bảo hiểm xã hội và tăng trưởng kinh tế

Please follow and like us:

Bất kỳ một Nhà nước nào trên thế giới cũng phải thừa nhận rằng, sự nghèo khổ của người dân do ốm đau, tai nạn rủi ro, thất nghiệp, tật nguyền bẩm sinh… gây ra không chỉ là trách nhiệm của bản thân cá nhân, của gia đình họ mà phải là trách nhiệm của cả Nhà nước và của cả cộng đồng xã hội. Cùng với quá trình phát triển của loài người, BHXH được coi là một chính sách xã hội quan trọng của Nhà nước, nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất, cho đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người trong xă hội. Với tư cách là chủ thể quản lực cao nhất của toàn xã hội, Nhà nước phải can thiệp và tổ chức bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, giải quyết mối quan hệ thuê mướn lao động giữa chủ và thợ. Yêu cầu giới chủ phải thực hiện những cam kết, đảm bảo điều kiện làm việc và nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần cho giới thợ, trong đó có nhu cầu về tiền lương, về chăm sóc y tế, về chăm sóc khi bị ốm đau, tai nạn, trả lương khi người lao động đến tuổi hưu… Đồng thời, bản thân người lao động cũng phải có trách nhiệm đóng góp một khoản thu nhập để chi trả cho bản thân mình khi có những rủi ro xảy ra. Mặt khác, trong trường hợp sự đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động không đủ để trang trải cho những khoản chi cho người lao động khi họ gặp rủi ro, nhà nước phải có trách nhiệm dùng ngân sách bù đắp để bảo đảm đời sống cơ bản cho người lao động. BHXH được hình thành trên cơ sở quan hệ lao động, giữa các bên cùng tham gia và được hưởng BHXH. Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách BHXH, tổ chức ra cơ quan chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động sự nghiệp BHXH. Chủ sử dụng và người lao động có trách nhiệm đóng góp để hình thành quỹ BHXH. Người lao động (bên được BHXH)và gia đình của họ được cung cấp tài chính từ quỹ BHXH khi họ có đủ điều kiện theo chế độ BHXH quy định. Đó chính là mối quan hệ của các bên tham gia BHXH.
BHXH theo quan niệm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), BHXH là sự thay thế bù đắp 1 phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro và biến cố trong cuộc sống hoặc biến cố trong cuộc sống làm giảm hoặc mất việc làm trên cơ sở hình thành 1 quỹ tiền tệ tập chung do người lao động, người sử dụng lao động đóng và nhà nước hổ trợ, từ đó góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.
Như vậy, BHXH ra đời, tồn tại và phát triển là một nhu cầu khách quan. Nền kinh tế thị trường càng phát triển, việc thuê mướn lao động trở nên phổ biến, càng đòi hỏi sự phát triển của BHXH. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tạo tiền đề, tạo nền tảng cho BHXH ở Việt Nam hoạt động. Ở nước ta thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, giải quyết tốt các vấn đề xã hội với mục tiêu phát triển con người. Hoạt độngcủa BHXH trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hướng đến lợi ích chung của toàn xã hội, phục vụ cho mọi thành viên trong xã hội, lợi nhuận không phải là mục tiêu của hoạt động BHXH. Do đó, BHXH có tác động to lớn đối với đời sống kinh tế – xã hội của con người nói chung, trong thực hiện công bằng xã hội và phát triển con người nói riêng.
Ngay từ ngày đầu thành lập, BHXH Việt Nam đã xác định nhiệm vụ chi trả đầy đủ, kịp thời, thuận tiện, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người tham gia. Hoạt động này không những đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia, đảm bảo công bằng xã hội mà còn đảm bảo lòng tin của người dân, từ đó tác động tích cực đến việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH. BHXH đã góp phần ổn định đời sống cho họ và gia đình họ, tạo động lực cho người lao động hăng say sản xuất, nâng cao năng suất, tác động tốt đến nền kinh tế nói chung.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm, năm 2010 cơ quan BHXH đã tiếp nhận và giải quyết chế độ cho 140.200 người hưởng BHXH hàng tháng (tăng 12,7% so với năm 2009); 666.227 người hưởng trợ cấp BHXH một lần (tăng 26,5% so với năm 2009); 4.754.500 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức – phục hồi sức khỏe (tăng 11,5% so với năm 2009)…
Tổng hợp số liệu năm 2010, chi BHXH bắt buộc ước thực hiện là 65.844 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2009, do tăng số người hưởng chế độ và do điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 730.000 đồng vào tháng 5/2010.
Một đặc điểm nữa của Quỹ BHXH ở nước ta là quỹ được tồn tích qua nhiều năm và có tính chất phân phối chuyển dịch thu nhập mang tính xã hội giữa những người tham gia BHXH và qua các thế hệ. Vì vậy, quỹ sẽ có số dư tạm thời nhàn rỗi tương đối lớn trong khoảng thời gian dài. Đây là một nguồn vốn vô cùng quan trọng để hoạt động đầu tư nhằm bảo toàn, tăng trưởng quỹ, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc đầu tư của quỹ BHXH không thể như những quỹ kinh doanh khác, nó phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản là: an toàn, thuận tiện khi thu hồi vốn, phục vụ cho những lợi ích công cộng. Những hướng đầu tư của quỹ BHXH thường là cho Chính phủ vay hoặc trực tiếp được đầu tư vào các dự án phát triển hoặc những công trình phúc lợi (xây nhà ở cho người lao động, xây dựng đường xá…). ở Pháp, quỹ BHXH lớn gấp 3 – 4 lần ngân sách của Chính phủ và thường được đầu tư vào phát triển hạ tầng cơ sở. Phần nhàn rỗi của quỹ BHXH của Italia chủ yếu được đầu tư vào phát triển nhà ở cho người lao động thuê lại. Hiện nay, số “tiền nhàn rỗi tương đối’’ của quỹ BHXH Việt Nam lên tới 30.000 tỷ đồng. Nếu được đầu tư tốt sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế rất lớn. Hàng năm, BHXH Việt Nam đã dành số tiền chênh lệch thu lớn hơn chi trong năm để bổ sung nguồn vốn đầu tư trong năm. Tính đến năm 2009, số tiền đầu tư trên cơ sở số kết dư là 95.163 tỷ đồng và đầu tư mới trong năm là 36.450 tỷ đồng, số lãi đầu tư đã thu được trong năm ước là gần 9.600 tỷ đồng. Quỹ BHXH cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn bù đắp bội chi ngân sách của Bộ Tài chính, đồng thời hàng năm luôn dành một khoản tiền nhất định từ 5.000 tỷ đồng đến 6.000 tỷ đồng tham gia mua trái phiếu Chính phủ để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nguồn vốn do BHXH Việt Nam đầu tư đã góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc bù đắp bội chi ngân sách cũng như trong việc tạo nguồn vốn phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế hàng năm của đất nước. Bên cạnh đó, việc cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay cũng đã tạo nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đất nước.
BHXH góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Quỹ BHXH được sử dụng để chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và gia đình họ, phần nhàn rỗi được đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh để bảo tồn và tăng trưởng quỹ. Các khoản đầu tư này của quỹ BHXH một mặt tạo ra “lợi nhuận” thêm cho quỹ BHXH; mặt khác đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Như vậy, xét trên cả phương diện chi trả các chế độBHXH cũng như đầu tư tăng trưởng quỹ, hoạt động của quỹ BHXH đều góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Đây chính là mối quan hệ thuận chiều giữa BHXH và tăng trưởng kinh tế. Theo các nhà kinh tế, nếu được đầu tư đúng hướng và hiệu quả, quỹ BHXH là nhân tố nhân văn rất quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế “sạch’’ và tạo ra hiệu ứng kép là tác động ngược lại tới sự ổn định của hệ thống BHXH.
Mặt khác, phân phối trong BHXH là sự phân phối lại theo hướng có lợi cho những người có thu nhập thấp; là sự chuyển dịch thu nhập của những người khỏe mạnh, may mắn có việc làm ổn định cho những người ốm, yếu, gặp phải những biến cố rủi ro trong lao động sản xuất và trong cuộc sống. Vì vậy, BHXH góp phần làm giảm bớt khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, góp phần bảo đảm sự công bằng xã hội.
Từ khía cạnh khác, tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống tốt hơn, tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút nhiều lao động tham gia vào các hoạt động kinh tế. Người lao động có thu nhập càng cao và ổn định càng có điều kiện tốt hơn tham gia BHXH.
Nhìn lại 10 năm qua, nền kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng cao và phát triển tương đối toàn diện. Tốc độ tăng GDP đạt bình quân 7,27%/năm; năm 2009 GDP bình quân đầu người đạt 1064 USD, năm 2010 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1160 USD, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Sức sản xuất, sức lao động tiếp tục được giải phóng, các loại hình sản xuất kinh doanh phát triển đa dạng, tạo nhiều việc làm cho lao động xã hội. Tăng trưởng việc làm hằng năm trên 2,5%, bình quân mỗi năm tạo thêm 1,6 triệu chỗ làm việc mới, thất nghiệp thành thị có xu hướng giảm liên tục, còn 4,57%. Điều nay đã tác động rất tích cực đến BHXH Việt Nam.

GDP bình quân đầu người giai đoạn 2000 – 2010 (nguồn Tổng cục thống kê)
Tính đến năm 2009, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ. Từ 4,8 triệu người năm 2001 tăng lên khoảng 9,4 triệu người năm 2009, chiếm 18% tổng số lực lượng lao động. Nguồn thu quỹ BHXH bắt buộc tăng nhanh, từ 6.348 tỷ đồng vào năm 2001 lên 36,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2009. Tổng chi BHXH bắt buộc cũng tăng nhanh, từ 1.856 tỷ đồng năm 2001 lên khoảng 54,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2009 (trong đó chi từ ngân sách Nhà nước là 26,8 nghìn tỷ đồng).
Sau một năm triển khai thực hiện BHXH tự nguyện, số người tham gia đạt gần 50 nghìn người. Nguồn thu quỹ BHXH tự nguyện ước tính đạt 69,5 tỷ đồng và chi khoảng 10,9 tỷ đồng năm 2009. Công tác quản l‎ý BHXH ngày càng đi vào nề nếp; công tác giám sát ngày càng được tăng cường; mạng lưới thu-chi ngày càng mở rộng.
Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội , nếu năm 2009, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 8,815 triệu người thì năm 2010 ước thực hiện là 9,343 triệu người, tức là tăng 6% so với năm 2009. Tương tự, số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2010 ước thực hiện là 61.689 người, tăng 49,8% so với năm 2009 (số liệu này năm 2009 là 41.193 người, gồm cả số BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang). Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số nợ đóng, chậm đóng BHXH tính đến ngày 31/12/2010 là 1.725,4 tỷ đồng, so với năm 2009, số nợ BHXH đã giảm 24,5%. Tổng quan tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2010 cho thấy, năm qua, khi tình hình nền kinh tế có những chuyển biến tích cực ( tốc độ tăng trưởng đạt 6,78%, đối tượng tham gia BHXH tiếp tục tăng lên, việc giải quyết chi trả các chế độ BHXH cho người lao động thực hiện đúng quy định. Đồng thời, Quỹ BHXH có sự tăng trưởng và đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự phát triển của BHXH với tăng trưởng kinh tế, định hướng phát triển của nước ta năm 2020 , quan điểm rất rõ ràng, đó là tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến BHXH, quan tâm đảm bảo quền lợi cho người tham gia BHXH, ổn định được đời sống cho người lao động, góp phần tạo tâm ly tốt cho người lao động, nâng cao năng suất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tóm lại, tăng trưởng kinh tế và BHXH là hai phạm trù khác nhau, tuy nhiên lại có mồi quan hệ hữu cơ, sự tương quan chăt chẽ, cái này là trụ đỡ cho cái kia. Có thể nói,BHXH muốn phát triển thì kinh tế phải tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế sẽ đi đôi với mở rộng BHXH.

 

 

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *