Khái niệm và phân loại rủi ro

Please follow and like us:

Khái niệm và phân loại rủi ro

Khái niệm rủi ro

Môi trường hoạt động và tồn tại của chúng ta luôn ẩn chứa các biến cố, các sự kiện nằm ngoài dự kiến. Có những sự kiện ngoài dự kiến mang lại những tốt đẹp, thuận lợi cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, có không ít biến cố mà không ai mong muốn vì kết cục đi kèm là các thiệt hại hay thương tổn mà con người phải gánh chịu. Hiểu theo cách thông thường, các biến cố không mong đợi đó được gọi là rủi ro. Dù mức độ thiệt hại gánh chịu nặng hay nhẹ, nhưng nhìn chung rủi ro thường khiến cho chúng ta lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn so với khi không có rủi ro.

Khi nghiên cứu về rủi ro, trong từng hoàn cảnh, từ các góc độ khác nhau, rủi ro có thể được diễn đạt cụ thể khác nhau.Chẳng hạn:

· Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất;
· Rủi ro là một giá trị dự tính về một kết cục;
· Rủi ro là sự kết hợp các nguy cơ; hay · Rủi ro là sự biến động xảy ra quanh một giá trị đã dự tính.

Có thể thấy có 2 quan điểm. Quan điểm thứ nhất coi rủi ro là sự kiện bất lợi, gắn với việc có tổn thất. Quan điểm thứ hai hiểu rủi ro rộng hơn một chút, coi rủi ro sự chệch ra khỏi kết quả dự kiến nào đó. Nếu hiểu rủi ro theo quan điểm thứ hai này thì “rủi ro” không chỉ là mang lại kết cục bất lợi mà “giá trị thực tế chệch ra khỏi giá trị dự kiến (hay kỳ vọng)” cũng có thể là tích cực. Theo các nhà bảo hiểm, rủi ro là sự cố không may bất ngờ xảy ra gây thiệt hại về người hoặc tài sản.

Phân biệt rủi ro, nguy cơ, hiểm họa để làm rõ khái niệm rủi ro:
  • Rủi ro là từ chung để chỉ một biến cố gây ra tổn thất. Ví dụ, một ngôi nhà nằm cạnh một xưởng hóa chất bị cháy và gây tổn thất cho chủ ngôi nhà.
  • Hiểm họa (peril) là nguyên nhân chính gây tổn thất. Ở đây, “cháy” được coi là hiểm họa.
  • Nguy cơ (hazard) là (tập hợp) nhân tố ảnh hưởng đến tổn thất hậu quả. Bản thân nguy cơ không phải là nguyên nhân gây tổn thất nhưng có thể làm tăng hoặc giảm khả năng tổn thất khi hiểm họa xảy ra. Việc “nằm cạnh xưởng hóa chất” là một nguy cơ gây ra rủi ro cháy xưởng hóa chất. Nguy cơ thường có nguy cơ vật chất và nguy cơ đạo đức. Chẳng hạn, nguy cơ đối với một tổn thất do cháy nhà có thể liên quan đến kết cấu ngôi nhà (nguy cơ vật chất), nhưng cũng có thể là nguy cơ liên quan đến ý thức trách nhiệm của chủ nhà trong việc lắp hệ thống phun nước tự động phòng chống cháy (nguy cơ đạo đức).
Phân loại rủi ro
  • Căn cứ vào vào khả năng kiếm lời trong kết cục của rủi ro: rủi ro thuần và rủi ro đầu cơ

 o Rủi ro thuần túy chỉ liên quan đến hoặc có tổn thất hoặc không bị tổn thất. Ví dụ một người nào đó có thể bị tàn tật, và vì thế người đó có thể phải bỏ ra các khoản chi phí y tế phát sinh và chịu các tổn thất về thu nhập do không thể làm việc được nữa. Ngược lại, nếu không bị tàn tật thì sẽ không bị tổn thất do rủi ro đó gây ra.

o Rủi ro đầu cơ liên quan đến 3 kết cục có thể xảy ra: tổn thất, có lãi hoặc không thay đổi. Ví dụ: rủi ro từ việc mua cổ phiếu là rủi ro đầu cơ. Ở đây, rủi ro đầu cơ vì người mua cổ phiếu có thể lời, lỗ hoặc không bị mất tiền nhưng cũng chẳng kiếm được khoản lời nào từ việc mua cổ phiếu đó.

  • Căn cứ vào việc đo lường hậu quả của rủi ro: rủi ro tài chính và rủi ro phi tài chính

o Rủi ro tài chính là rủi ro mà có thể xác định hậu quả bằng tiền hoặc quy được thành tiền.

 o Rủi ro phi tài chính là những rủi ro mà kết cục/hậu quả không đo lường theo thước đo tài chính mà theo các tiêu chí liên quan đến tâm sinh lý con người. Chẳng hạn, việc vào ăn một nhà hàng mới khai trương được coi là tình huống có yếu tố rủi ro. Và rủi ro ở đây là cảm giác bực bội khó chịu về phong cách phục vụ của một nhà hàng mới chưa chuyên nghiệp mà nhẽ ra có được nếu trước đó đi vào một nhà hàng ngon quen thuộc.

Căn cứ vào cả nguyên nhân và hậu quả của rủi ro: rủi ro cơ bản và rủi ro riêng biệt

o Rủi ro cơ bản là những rủi ro phát sinh từ những nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của con người và gây ảnh hưởng đến số đông người. Nhìn chung, nguyên nhân dẫn đến các rủi ro cơ bản thường do thiên nhiên. Ví dụ như, động đất, hạn hán, bão lụt,…Một số loại rủi ro cơ bản do các biến động trong môi trường kinh tế – chính trị – xã hội. Ví dụ như thất nghiệp,…

o Rủi ro riêng biệt có nguyên nhân và hậu quả mang tính cá nhân của một người hay một tổ chức. Trong một cộng đồng hẹp, rủi ro riêng biệt có thể xảy ra đối với người này mà không xảy ra với người kia. Các rủi ro như tai nạn giao thông hay tai nạn lao động là những ví dụ điển hình về rủi ro riêng biệt.

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *