Kể tên các nguyên tắc trong quá trình tập luyện TDTT? Trình bày nguyên tắc Thích hợp và cá biệt hóa?

Please follow and like us:

Em hãy kể tên các nguyên tắc trong quá trình tập luyện TDTT? Trình bày nguyên tắc Thích hợp và cá biệt hóa?
Các nguyên tắc trong quá tình tập luyện TDTT:
Nguyên tắc tự giác và tích cực
Nguyên tắc trực quan
Nguyên tắc thích hợp và cá biệt hoá
Nguyên tắc hệ thống
Nguyên tắc tăng dần yêu cầu
Nguyên tắc thích hợp và cá biệt hoá
Trình bày nguyên tắc Thích hợp và cá biệt hóa?
Nguyên tắc này yêu cầu tính đến đặc điểm của người tập và mức tác động của những nhiệm vụ học tập đề ra cho họ. Về bản chất nó thể hiện yêu cầu phải tổ chức việc dạy học và giáo dục sát hợp với khả năng của người tập, đồng thời có tính đến các đặc điểm lứa tuổi, giới tính, trình độ chuẩn bị sơ bộ và cả những khác biệt cá nhân về năng lực thể chất và tinh thần. Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng trong giáo dục thể chất vì nó tác động rất mạnh mẽ đến các chức năng quan trọng trong cơ thể sống. Chỉ cần lượng vận động vượt quá mức chịu đựng được của cơ thể nào là đã có thể nảy sinh nguy cơ đối với sức khỏe người tập, gây nên hậu quả ngược lại. Do đó việc tuân thủ đúng mức nguyên tắc này là một trong những bảo đảm hiệu quả của giáo dục thể chất.
 Bản chất của nguyên tắc trên thể hiện qua các yêu cầu cơ bản sau:
– Xác định mức độ thích hợp. Tính thích hợp của bài tập thể lực phụ thuộc trực tiếp vào các khả năng của người tập, khó khăn khách quan khi thực hiện một bài tập nào đó với những đặc điểm tiêu biểu của nó (tính phối hợp vận động phức tạp, cường độ và khoảng thời gian phải nỗ lực..). Sự tương ứng đầy đủ giữa các khả năng và các khó khăn đó thể hiện mức độ thích hợp tối ưu. Nhưng xác định được cụ thể, đúng mức đó là một trong những yêu cầu phức tạp và quan trọng nhất của giáo dục thể chất. Muốn làm được, cần phải hình dung rõ nét các khả năng chức phận của cơ thể ở các giai đoạn phát triển khác nhau theo lứa tuổi; cũng như những giới hạn dao động của các khả năng ấy luôn bị chi phối bởi các đặc điểm cá nhân, giới tính và tình huống phức tạp bên ngoài; xác định được những số liệu chính xác trong các yêu cầu với cơ thể khi sử dụng các phương tiện và phương pháp giáo dục thể chất khác nhau và biết vận dụng cho phù hợp với mỗi người tập cụ thể.
Khi xác định mức độ thích hợp, trước hết phải dựa vào các chương trình và các yêu cầu có tính chất tiêu chuẩn đã được xác định cho mỗi loại đối tượng cụ thể, trên cơ sở số liệu khoa học và tổng kết kinh nghiệm thực tế, trước hết là các chương trình về giáo dục thể chất cho tất cả các loại đối tượng cơ bản, bắt đầu từ nhỏ cho đến người đứng tuổi. Hiển nhiên, sau này còn cần phải xác định được một cách khoa học cả các tiêu chuẩn hợp lý nhất về lượng vận động cho mỗi nhóm giới tính – lứa tuổi. Hiện nay, các tiêu chuẩn đó được xác định chưa đầy đủ và mới mang tính chất định hướng phỏng chừng. Song, dù có các chương trình hoàn thiện nhất và các tài liệu quy định khác, giáo viên vẫn phải nghiên cứu kỹ lưỡng các đặc điểm của học trò của mình và tìm cho ra một mức độ thích hợp cụ thể.
Dựa vào các số liệu ban đầu về khả năng của người tập thu được qua kiểm tra theo các tiêu chuẩn về trình độ chuẩn bị thể lực, cũng như kiểm tra y học và quan sát sư phạm, giáo viên sẽ cụ thể hóa chương trình (hoặc trong một số trường hợp phải tự xác định lấy nội dung chương trình), vạch ra giới hạn thích hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và cả các chỉ tiêu cũng như cách thức thực hiện. Sau này, trên cơ sở kiểm tra y học sư phạm có hệ thống, các dự kiến ban đầu sẽ được chính xác hóa và bổ sung thêm cho tương ứng với sự thay đổi khả năng của người tập. Tính thích hợp không có nghĩa là không có khó khăn, mà là có khó khăn nhưng vừa sức, có thể khắc phục hiệu quả nếu động viên tốt các sức mạnh vật chất và tinh thần của người tập. Tính thích hợp của lượng vận động chỉ có thể được đánh giá đúng đắn trên cơ sở tính toán đến hiệu quả nâng cao sức khỏe của nó. Chỉ lượng vận động nào dẫn đến củng cố và duy trì sức khỏe mới được coi là thích hợp. Phát hiện đúng, kịp sự không tương ứng giữa tính thích hợp luôn thay đổi của lượng vận động và “giá trị” chân chính của chúng đối với cơ thể thật không dễ. Vì vậy, cần nhấn mạnh phải bảo đảm kiểm tra y học – sư phạm có hệ thống, coi đó như một trong những điều kiện quan trọng nhất của giáo dục thể chất. Các giới hạn thích hợp trong quá trình giáo dục thể chất cũng thay đổi. Chúng cũng tiến lên (thậm chí hạ xuống) tuỳ theo sự phát triển về thể chất và tinh thần của người tập. Có cái còn chưa thích hợp ở giai đoạn này lại trở nên dễ thực hiện ở giai đoạn sau. Vì vậy, các yêu cầu đề ra đối với người tập cũng phải được thay đổi tương ứng để cho sát hợp, không ngừng kích thích sự phát triển tiếp theo của các khả năng đó.
Những yêu cầu về phương pháp để đảm bảo tính thích hợp.
Ở mỗi giai đoạn giáo dục thể chất, ngoài những điều kiện nói trên, tính thích hợp còn được xác định bởi mức độ hợp lý của các phương pháp được chọn dùng và cấu trúc chung của các buổi tập. Vì vậy, vấn đề này có liên quan tới nhiều vấn đề khác về phương pháp dạy học và giáo dục hợp lý, đặc biệt là các phương pháp kế thừa tối ưu giữa các buổi tập và nâng dần các khó khăn trong tập luyện. Vấn đề này sẽ còn được đề cập khi xem xét các nguyên tắc khác. Ở đây chỉ bàn đến những gì có quan hệ trực tiếp đến tính thích hợp.
Mọi người đều biết, các kỹ năng và kỹ xảo mới sẽ xuất hiện trên cơ sở các kỹ năng, kỹ xảo đã được tiếp thu từ trước, kể cả các yếu lĩnh riêng lẻ của chúng. Vì vậy một trong những yêu cầu về phương pháp, có tính quyết định đối với tính thích hợp trong giáo dục thể chất là đảm bảo tính kế thừa của các bài tập thể lực, nhờ sử dụng các mối liên hệ tự nhiên giữa những hình thức khác nhau của các động tác, các tác động lẫn nhau và cả tính đồng nhất về cơ cấu của chúng.
Cần phân nội dung học, sao cho mỗi một buổi tập trước lại trở thành bậc thang ngắn nhất tới việc tiếp thu một nội dung của buổi tập tiếp theo. Có nghĩa là phải theo quy tắc từ biết đến chưa biết hoặc từ đã tiếp thu đến chưa tiếp thu và cả từ biết ít đến biết nhiều. Như vậy mới đảm bảo tính kế thừa đúng quy luật của các buổi tập.
Một yêu cầu khác cũng quan trọng như thế là đảm bảo tính tuần tự trong việc chuyển từ những nhiệm vụ tương đối dễ hơn sang những nhiệm vụ khác khó hơn. Bởûi vì theo kiểu làn sóng, các khả năng chức phận của cơ thể tăng lên từ từ do đó những yêu cầu đối với các khả năng đó trong quá trình giáo dục thể chất không thể tăng lên quá đột ngột. Tính tuần tự được đảm bảo nhờ sự phức tạp hóa không quá nhanh các hình thức động tác cần tập, nhờ luân phiên hợp lý giữa lượng vận động và nghỉ ngơi, nhờ thay đổi lượng vận động theo bậc thang và theo làn sóng trong khoảng các chu kỳ tuần, tháng, năm và các cách khác nữa. Do đó, còn phải theo quy tắc từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Song, cần phải chú ý đến tính chất tương đối của quy tắc này. Khi đánh giá độ khó của các bài tập thể lực cần phải phân biệt mức phức tạp về phối hợp vận động và các mức gắng sức khi thực hiện các bài tập đó. Hai mặt nói trên không phải bao giờ cũng trùng với nhau. Thí dụ, một số bài tập cử tạ có thể rất dễ về mặt phối hợp vận động nhưng lại rất khó về độ căng thẳng nỗ lực. Ngược lại, có một số các bài tập thể dục rất khó về phối hợp vận động nhưng lại không đòi hỏi nỗ lực thể chất nhiều. Quy tắc từ dễ đến khó chỉ rõ việc chuyển từ các bài tập này sang các bài tập khác phải được tiến hành sao cho các bài tập dễ hơn, cả về mặt phối hợp vận động lẫn mức gắng sức được tiến hành trước các bài tập khó hơn. Trong quy tắc này, cũng như trong quy tắc trước, vẫn có ngoại lệ. Một trong những ngoại lệ là sự diễn biến của lượng vận động: các lượng vận động cao hơn (về vấn đề này sẽ đề cập sau này) không chỉ đi sau các lượng vận động thấp hơn, mà trong những trường hợp nhất định lại phải đi trước. Một điều rất quan trọng khác là sử dụng các phương tiện và các phương pháp chuyên môn phải làm sao tạo được sự sẵn sàng trực tiếp tiếp thu các kỹ năng kỹ xảo và lượng vận động tiếp theo. Ở đây, các bài tập chuẩn bị, đặc biệt là các bài tập dẫn dắt, có ý nghĩa đặc biệt. Hiện nay, người ta đã nghiên cứu đề ra những hệ thống (những bậc thang phương pháp) gồm các bài tập dẫn dắt đối với nhiều kỹ xảo vận động cơ bản. Song, nhìn chung, vấn đề này còn chưa được giải quyết hoàn toàn. Cần phải mất nhiều công sức để xây dựng và hệ thống hóa một số các bài tập chuẩn bị đó. Việc hợp lý hóa hệ phương pháp giáo dục thể chất tiếp theo còn phụ thuộc nhiều vào công việc này.
– Cá biệt hóa theo xu hướng chung và theo các cách thức riêng trong giáo dục thể chất.
Ở đây, đó là sự xây dựng toàn bộ quá trình giáo dục thể chất và sử dụng các phương tiện, phương pháp và hình thức tập luyện riêng của quá trình đó sao cho có thể đối xử cá biệt với người tập và tạo được những điều kiện để phát triển tốt nhất các năng lực của họ. Các khả năng chức phận của cơ thể luôn luôn có sự khác biệt, về một mặt nào đó, đối với từng cá nhân. Ngay trong một nhóm người cùng lứa tuổi, giới tính và trình độ chuẩn bị sơ bộ cũng không thể tìm ra hai người có các khả năng hoàn toàn giống nhau. Những khác biệt cá nhân cũng thể hiện khi tiếp thu động tác, ở tính chất, mức, phản ứng của cơ thể đối với lượng vận động và cả ở sự diễn biến các thay đổi thích nghi trong cơ thể… Tất cả những điều đó buộc phải tiến hành cá biệt hóa chặt chẽ trong giáo dục thể chất. Vấn đề cá biệt hóa trong quá trình giáo dục thể chất được giải quyết trên cơ sở phối hợp hữu cơ 2 xu hướng chuẩn bị chung và chuyên môn hóa. Chuẩn bị chung (như chuẩn bị thể lực chung theo chương trình giáo dục thể chất của trường phổ thông, trường đại học …) nhằm giúp cho mọi người nắm được một số kỹ năng, kỹ xảo quan trọng, tối thiểu, bắt buộc trong cuộc sống, vận động cùng những kiến thức có liên quan, đồng thời giúp cho việc phát triển toàn diện các tố chất thể lực đến một trình độ nhất định. Nội dung cơ bản của chương trình tập luyện theo hướng này không phụ thuộc vào các đặc điểm, thiên hướng cá nhân. Còn việc cá biệt hóa chủ yếu thực hiện qua các phương pháp học và giáo dục, cùng các phương tiện phụ khác. Chuyên môn hóa (đặc biệt là chuyên môn hóa thể thao) nhằm hoàn thiện sâu hơn về một môn hoạt động đã được chọn lọc. Không chỉ các phương pháp mà cả nội dung tập luyện cũng phải căn cứ vào thiên hướng và năng khiếu cá nhân. Sự phối hợp cả hai xu hướng này sẽ tạo điều kiện để hoàn thiện thể chất toàn diện, đồng thời lại chuyên môn hóa sâu. Mối liên hệ giữa hai xu hướng này sẽ được thể hiện qua các giai đoạn khác nhau của sự phát triển theo lứa tuổi và ở các khâu tổ chức khác nhau của hệ thống giáo dục thể chất.
Đối xử cá biệt trong quá trình dạy học và giáo dục là cần thiết để giải quyết bất kỳ nhiệm vụ riêng nào, từ hình thành các kiến thức, kỹ năng và kỹ xảo cho đến giáo dục các tố chất thể lực và phẩm chất ý chí. Nó thể hiện ở sự phân tích các nhiệm vụ học tập, cách thực hiện các tiêu chuẩn và cách thức điều chỉnh các hình thức tập luyện cùng các thủ thuật tác động sư phạm phù hợp với từng người tập.
Các đặc điểm cá nhân không loại trừ những nét chung giữa các cá thể khác nhau. Vì vậy, sẽ sai lầm nếu coi cá biệt hóa như một cái gì đó không thể dung hoà được với những con đường chung của quá trình sư phạm. Sự cá biệt hóa phải dựa trên cơ sở các quy luật chung về dạy học và giáo dục. Hơn nữa, phần lớn việc cá biệt hóa hoàn toàn có thể tiến hành trong các buổi tập tập thể.
Đáng lưu ý, căn cứ vào các đặc điểm cá nhân không có nghĩa là chỉ bị động chạy theo nó. Những đặc điểm cá nhân, nhất là các đặc điểm về loại hình hoạt động thần kinh cao cấp, có thể thay đổi nhất định theo sự điều khiển. Bởi vì trong quá trình giáo dục thể chất cần phải bảo đảm hoàn thiện cân đối, toàn diện về hình thái và chức năng của cơ thể. Nhiệm vụ không chỉ là cải tiến những cái bẩm sinh mà còn phải hình thành những cái mới (những kỹ năng, kỹ xảo và hành vi mới).

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *