Các chế độ bảo hiểm thường áp dụng trong bảo hiểm tài sản? Cho ví dụ minh hoạ theo từng chế độ?
Đối tượng được bảo hiểm trong bảo hiểm này là tài sản (cố định hay lưu động) của người được bảo hiểm. Giá trị của tài sản được bảo hiểm gọi là giá trị bảo hiểm. Ví dụ, bảo hiểm cho thiệt hại vật chất xe cơ giới, bảo hiểm hàng hoá của các chủ hàng trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu, bảo hiểm tài sản của chủ nhà trong bảo hiểm trộm cắp,… là các bảo hiểm tài sản.
Các chế độ bảo hiểm thường áp dụng trong bảo hiểm tài sản?
Áp dụng nguyên tắc bồi thường khi thanh toán bồi thường bảo hiểm. Số tiền bồi thường mà bên được bảo hiểm nhận được trong mọi trường hợp không vượt quá thiệt hại thực tế trong một sự cố bảo hiểm. Số tiền bồi thường là số tiền mà DNBH trả cho bên được bảo hiểm khi có tổn thất thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Ví dụ, một chủ xe máy tham gia bảo hiểm cho toàn bộ chiếc xe của mình trị giá 20 triệu đồng. Trong một vụ tai nạn, xe bị hư hỏng giá trị thiệt hại là 8 triệu đồng, STBT mà chủ xe nhận được trong bất kỳ trường hợp nào cũng chỉ là 8 triệu đồng.
Áp dụng “nguyên tắc thế quyền hợp pháp” khi xuất hiện người thứ ba có lỗi và do đó có trách nhiệm đối với thiệt hại của người được bảo hiểm. Theo nguyên tắc này, sau khi trả tiền bồi thường, DNBH sẽ được thay quyền của người được bảo hiểm để thực hiện việc truy đòi trách nhiệm của người thứ ba có lỗi. Nguyên tắc thế quyền hợp pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của người được bảo hiểm, chống lại hành vi rũ bỏ trách nhiệm của người thứ ba có lỗi, đồng thời đảm bảo cả nguyên tắc bồi thường. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ khi áp dụng nguyên tắc thế quyền hợp pháp. Đó là khi người thứ ba gây lỗi là trẻ em, hoặc là con cái, vợ chồng, cha mẹ… của người được bảo hiểm. Lấy lại ví dụ trên, trong vụ tai nạn này, lỗi một phần là của một xe ô tô đi ngược chiều (70%). Lúc này, với thiệt hại 8 triệu đồng của chủ xe máy, trách nhiệm của ông chủ xe ô tô sẽ là: 70% x 8 triệu đồng = 5,6 triệu đồng. Sau khi bồi thường 8 triệu đồng theo HĐBH vật chất xe cho chủ xe máy, DNBH được thay quyền của chủ xe máy này truy đòi trách nhiệm 5,6 triệu từ chủ xe ô tô. Nguyên tắc thế quyền được áp dụng. Và người được bảo hiểm trong ví dụ này (chủ xe máy) cũng không thể nhận STBT vượt quá thiệt hại 8 triệu đồng, như vậy nguyên tắc bồi thường được đảm bảo.
Bồi thường theo mức miễn thường.
DNBH chỉ chịu trách nhiệm đối với những tổn thất mà giá trị thiệt hại thực tế vượt quá một mức đã thoả thuận gọi là mức miễn thường (M). Miễn thường có thể quy định theo một số tiền nhất định, hoặc theo một tỷ lệ so với số tiền bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm (STBH) là số tiền thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm quy định giới hạn trách nhiệm của người bảo hiểm.
Việc áp dụng bảo hiểm theo mức miễn thường thể là tự nguyện hoặc bắt buộc. Nếu giữa DNBH và người tham gia bảo hiểm thoả thuận sẽ không bồi thường đối với những tổn thất nhỏ hơn mức miễn thường trên cơ sở tự nguyện thì phí bảo hiểm sẽ được giảm bớt phụ thuộc vào mức miễn thường cụ thể. Trong trường hợp miễn thường bắt buộc, phí bảo hiểm vẫn giữ nguyên. Bảo hiểm theo mức miễn thường không chỉ tránh cho DNBH phải bồi thường những tổn thất quá nhỏ so với giá trị bảo hiểm mà còn có ý nghĩa trong việc nâng cao ý thức và trách nhiệm đề phòng hạn chế rủi ro của người được bảo hiểm.
Khi bồi thường, STBT sẽ được xác định dựa vào thỏa thuận miễn thường đó là không khấu trừ hay có khấu trừ. Chế độ bảo hiểm miễn thường không khấu trừ bảo đảm chi trả cho những thiệt hại thực tế vượt quá mức miễn thường nhưng STBT sẽ không bị khấu trừ theo mức miễn thường.
STBT = Giá trị thiệt hại thực tế
Trong chế độ bảo hiểm miễn thường có khấu trừ, thiệt hại thực tế phải lớn hơn mức miễn thường quy định mới được bồi thường nhưng STBT sẽ bị khấu trừ theo mức miễn thường này.
STBT = Giá trị thiệt hại thực tế – Mức miễn thường
Bồi thường theo tỷ lệ. Có hai loại tỷ lệ được áp dụng là tỷ lệ “Số tiền bảo hiểm/Giá trị bảo hiểm” và tỷ lệ “Số phí đã nộp/Số phí lẽ ra phải nộp”.
Trong bảo hiểm tài sản, STBH được xác định theo GTBH và có 3 trường hợp:
o Bảo hiểm dưới giá trị khi STBH < GTBH
o Bảo hiểm ngang giá trị khi STBH = GTBH
o Bảo hiểm trên giá trị khi STBH > GTBH Thông thường nhất là trường hợp bảo hiểm ngang giá trị, khi đó người tham gia bảo hiểm đã mua bảo hiểm đầy đủ cho tài sản được bảo hiểm. Các trường hợp bảo hiểm trên giá trị có thể có nhưng không nhiều. Nhìn chung các DNBH sẽ cẩn trọng trong các trường hợp có yêu cầu bảo hiểm trên giá trị vì có thể sẽ có động cơ trục lợi. Với các trường hợp bảo hiểm dưới giá trị, các DNBH thường không mong muốn vì vẫn phải bỏ ra một khoản chi phí bình thường để quản lý rủi ro như trong bảo hiểm ngang giá trị, trong khi đó, phí bảo hiểm nhận được trong bảo hiểm dưới giá trị sẽ thấp hơn. Để hạn chế các trường hợp này, DNBH sẽ tự động áp dụng tỷ lệ STBH/GTBH để chiết khấu bớt STBT khi giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
- Bồi thường theo rủi ro đầu tiên. Theo chế độ bồi thường này, DNBH sẽ trả STBT theo một giới hạn đã thoả thuận. Các tổn thất của người được bảo hiểm nằm trong giới hạn này được gọi là tổn thất thuộc rủi ro đầu tiên hoặc tổn thất đầu tiên. Còn tổn thất vượt quá giới hạn thoả thuận này có thể sẽ được bảo hiểm bằng một đơn bảo hiểm vượt quá. Chế độ bồi thường này thường được áp dụng trong bảo hiểm trộm cắp. Người ta lý luận rằng, ít khi toàn bộ tài sản bị mất trộm, do vậy chủ tài sản thường chỉ muốn bảo hiểm cho phần tổn thất có thể nhất, và đó được gọi là tổn thất đầu tiên.
- Bảo hiểm trùng. Trong BHTS, nếu một đối tượng bảo hiểm đồng thời được bảo đảm bằng nhiều HĐBH cho cùng một rủi ro với những DNBH khác nhau, những HĐBH này có điều kiện bảo hiểm giống nhau, thời hạn bảo hiểm trùng nhau, và tổng STBH từ tất cả những hợp đồng này lớn hơn giá trị của đối tượng bảo hiểm đó thì gọi là bảo hiểm trùng.
Trong trường hợp có bảo hiểm trùng, tuỳ thuộc vào nguyên nhân xảy ra để giải quyết. Thông thường, bảo hiểm trùng liên quan đến sự gian lận của người tham gia bảo hiểm nhằm trục lợi bảo hiểm. Do đó, về nguyên tắc, DNBH có thể huỷ bỏ HĐBH nếu phát hiện thấy bảo hiểm trùng có gian lận. Nếu các DNBH chấp nhận bồi thường thì lúc này, trách nhiệm của mỗi người bảo hiểm đối với tổn thất giải quyết theo nguyên tắc đóng góp, tức là mỗi người bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho tổn thất được bảo hiểm tỷ lệ trách nhiệm mà họ đảm nhận.