Đặc trưng cơ bản của thương mại trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay

Please follow and like us:

Đặc trưng cơ bản của thương mại trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay

Nền kinh tế được coi như một hệ thống các quan hệ kinh tế. Khi các quan hệ kinh tế giữa các chủ thể đều biểu hiện qua mua – bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thì nền kinh tế đó là nền kinh tế thị trường.

Kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là nền kinh tế hỗn hợp vừa có cơ chế tự điều chỉnh của thị trường và vừa có cơ chế quản lý, điều tiết Nhà nước. Trong điều kiện như vậy, thương mại ở nước ta có những đặc trưng cơ bản sau:

– Thương mại theo giá cả thị trường. Giá cả thị trường được hình thành trên cơ sở giá trị thị trường, nó là giá trị trung bình và là giá trị cá biệt của những hàng hóa chiếm phần lớn trên thị trường. Mua bán theo giá cả thị trường tạo ra động lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo cơ hội để các doanh nghiệp vươn lên (làm giàu).

– Thương mại hàng hóa, dịch vụ phát triển dựa trên cơ sở nền kinh tế nhiều thành phần và có sự cạnh tranh (thương mại nhiều thành phần và cạnh tranh). Cơ sở khách quan của sự tồn tại nhiều thành phần đó là do còn nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất. Nghị quyết Đại hôị Đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và công dân đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật, đổi mới công tác chỉ đạo thực hiện để bảo đảm các thành phần kinh tế đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác cạnh tranh lành mạnh… đó là kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể và tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế nhiều thành phần trong sự vận động của cơ chế thị trường ở nước ta là nguồn lực tổng hợp to lớn để phát triển nền kinh tế đưa thương mại phát triển trong điều kiện hội nhập.

– Thương mại tự do hay tự do lưu thông hàng hóa dịch vụ theo quy luật kinh tế thị trường và theo pháp luật. Sản xuất hàng hóa trước hết là sản xuất những giá trị sử dụng nhưng những giá trị sử dụng này phải qua trao đổi mới là hàng hóa được. Bởi vậy, thương mại làm cho sản xuất phù hợp với những biến đổi không ngừng của thị trường trong nước và thế giới, với tiến bộ kỹ thuật thay đổi nhanh chóng, đồng thời thông qua việc phục vụ tiêu dùng (sản xuất và cá nhân) làm nảy sinh những nhu cầu mới mà kích thích sản xuất. Tự do thương mại làm cho lưu thông hàng hóa nhanh chóng, thông suốt là điều kiện nhất thiết phải có để phát triển thương mại và kinh tế hàng hóa. Sản xuất được cởi mở, nhưng việc mua bán những sản phẩm sản xuất bị gò bó, hạn chế thì rút cuộc sản xuất cũng bị kìm hãm.

 

– Thương mại cạnh tranh theo pháp luật. Trên cơ sở đa thành phần và đa dạng hóa sở hữu, tự do sản xuất kinh doanh thì cạnh tranh là tất yếu. Cạnh tranh là quy luật của kinh tế thị trường. Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp, doanh nhân vừa hợp tác với nhau, vừa cạnh tranh với nhau. Cạnh tranh là sự ganh đua của các chủ thể nhằm tạo ra lợi thế để thu được lợi ích lớn hơn. Chức năng và vai trò của cạnh tranh đã được khẳng định. Các thể nhân và pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại cạnh tranh bình đẳng với nhau. Nhà nước vừa xây dựng luật chống độc quyền, vừa tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Cạnh tranh thực hiện các chức năng của nó trong kinh tế thị trường ở nước ta. Vấn đề quan trọng là phải thích nghi với môi trường cạnh tranh ở cả trong nước và trên thị trường thế giới.

– Thương mại phát triển theo định hướng XHCN dưới sự quản lý của Nhà nước. Sự vận động của nền kinh tế, thương mại theo cơ chế thị trường không thể nào giải quyết hết được những vấn đề do chính cơ chế đó và bản thân hoạt động thương mại dịch vụ đặt ra. Đó là các vấn đề về quan hệ lợi ích, thương mại với môi trường, nhu cầu kinh doanh với các nhu cầu xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại… Những vấn đề đó trực tiếp hay gián tiếp đều có tác động ngược trở lại và có ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại, dịch vụ. Vì vậy, sự tác động của Nhà nước vào các hoạt động thương mại trong nước và với nước ngoài là một tất yếu của sự phát triển. Sự quản lý của Nhà nước đối với thương ‘mại ở nước ta được thực hiên bằng luật pháp và các chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển thương mại. Nhà nước sử dụng những công cụ đó để quản lý các hoạt động thương mại làm cho thương mại phát triển trong trật tự kỷ cương, kinh doanh theo đúng quy tắc của thị trường.

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *